5 cặp thực phẩm không nên ăn cùng nhau, đặc biệt 2 món không nên ăn cùng cơm

( PHUNUTODAY ) - Phần lớn chúng ta thường chế biến thực phẩm theo thói quen và sở thích. Có những thực phẩm tuy kết hợp với nhau mang lại cảm giác ngon miệng nhưng chuyên gia lại khuyên không nên ăn cùng nhau.

Khoai tây và cơm

Có nhiều người xem khoai tây như rau, chế biến thành món canh, món xào ăn trong bữa cơm. Nhưng Xu Weisheng từ Viện Dinh dưỡng và Sức khỏe của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết thành phần chính của khoai tây là tinh bột và nếu thêm dầu để xào nhanh sẽ tăng gấp đôi lượng calo của món ăn này.

Ăn khoai tây cùng với cơm thì chẳng khác nào ăn hai loại lương thực chính, hấp thụ quá nhiều tinh bột. Vậy nên tốt nhất là bạn không ăn chung cơm với khoai tây. Nếu muốn ăn như vậy thì nên giảm lượng ăn cả 2 lại trong cùng một bữa để tránh tiêu thụ quá nhiều.

Mì ăn liền và thịt nguội

Sự kết hợp này có thể được nhiều người yêu thích nhưng ăn như vậy chẳng khác nào “vựa muối”. Một chiếc xúc xích thịt nguội 65g chứa khoảng 1,6g muối, chiếm 32% lượng muối khuyến nghị hàng ngày, một gói gia vị mì ăn liền (28g) chứa khoảng 4,2g muối, tương đương 84% lượng muối được khuyến nghị. Vậy nên, khi ăn mì gói bạn nên cho ít gói gia vị vào.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Cai Honglin tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Đại học Y Liên Minh Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) không nên ăn mì ăn liền với thực phẩm có hàm lượng natri cao (tương đương với hàm lượng muối cao) chẳng hạn như giăm bông, xúc xích. Thay vào đó nên ăn kèm với các loại rau để bổ sung lượng vitamin và chất xơ còn thiếu trong mì.

Ăn lẩu và uống nước lạnh

Rất nhiều người có thói quen ăn lẩu cay và uống đồ uống lạnh để giải nhiệt, cảm giác thật dễ chịu. Nhưng bác sĩ Huang Suiping, Giám đốc Khoa Lá lách và Dạ dày của Bệnh viện Y học cổ truyền, Quảng Đông (Trung Quốc) đã nhắc nhở rằng vừa ăn đồ nóng từ lẩu vừa uống ngay nước lạnh sẽ khiến những người huyết áp cao không chịu nổi như vậy, dễ dẫn đến hàn tà xâm nhập, từ đó gây đau bụng tiêu chảy.

Bên cạnh đó, sự kết hợp nóng lạnh thay đổi liên tục sẽ khiến thực quản và thành dạ dày bị kích thích trong thời gian ngắn, mạch máu và tuyến thượng thận thay đổi mạnh mẽ, người chức năng tim yếu cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp.

Củ sen và cơm

Củ sen là thực phẩm có nguồn gốc thủy sinh nhưng nó là một loại thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao, chẳng khác gì lương thực chính. Hàm lượng carbohydrate trong củ sen thậm chí còn cao hơn cả khoai mỡ.

Giống như các loại thực phẩm chủ yếu khác, củ sen có thể dễ dàng gây ra biến động lượng đường trong máu. Mọi người đừng coi củ sen như một loại rau để ăn cùng cơm mà nên cố gắng chọn những loại rau có lá khi ăn rau. Nếu món ăn nào có củ sen thì nên giảm lượng gạo theo tỷ lệ 1:1.

Bia và hải sản

Uống bia lạnh khi thưởng thức hải sản có thể khiến nhiều người cảm thấy sảng khoái. Nhưng chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc Yu Renweb cho biết hầu hết hải sản là thực phẩm chứa nhiều purine và bia chứa hàm lượng purine cao nhất trong đồ uống có cồn.

Sau khi uống nhiều bia, ngoài việc làm tăng lipid máu còn có thể làm tăng nhanh nồng độ axit uric trong máu. Ăn nhiều hải sản và uống bia rượu sẽ làm đẩy nhanh quá trình tích tụ axit lactic do thức ăn sinh ra trong cơ thể và ức chế sự bài tiết axit uric, từ đó có thể gây ra các cơn gút cấp.

Một khi nồng độ axit uric trong cơ thể đã cao, bạn cần kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ hải sản và nội tạng động vật. Tất nhiên, nếu như axit uric chỉ cao hơn bình thường một chút, đồng thời không bị bệnh gút tấn công bạn cũng có thể ăn hải sản nhưng không nên ăn quá thường xuyên, nhất là không nên dùng cùng bia rượu.

Tác giả: Trần Thu Thủy