5 sự thật cần biết trước khi ăn cá giúp đem lại lợi ích nhiều nhất cho sức khỏe

( PHUNUTODAY ) - Ăn cá thường xuyên, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi liệu mình ăn như vậy có đúng hay không, mình nên ăn bao nhiều là hợp lý hay nên chế biến như thế nào để đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe...?

 1. Những lợi ích mà thịt cá có thể mang lại cho sức khỏe là gì?

Đầu tiên, bạn cần biết rằng, cá là một trong những loại thực phẩm rất giàu chất đạm chất lượng cao mà con người có thể dễ dàng hấp thụ. Đó chính là lý do tại sao, bạn rất ít khi thấy người bị khó tiêu do ăn cá. Bên cạnh đó, trong thịt cá có chứa hàm lượng chất béo thấp hơn so với các loại thịt gia súc thông thường.

Đồng thời, các axit béo không no có trong cá có tác dụng giúp điều hòa mỡ máu, có lợi cho việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch và mạch máu não. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cá có chứa rất nhiều axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) có khả năng giúp bảo vệ mạch máu, kiểm soát mỡ máu, thúc đẩy phát triển tế bào não, ngăn ngừa co thắt mạch vành và xơ vữa động mạch hiệu quả.

2. Chúng ta có dùng thịt cá thay thế cho thịt bò hay thịt lợn hay không?

Trong các loại thịt thì ăn thịt cá là tốt nhất nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn chỉ ăn cá không. Chẳng hạn, các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò hay thịt cừu đều là những nguồn cung cấp chất sắt vô cùng dồi dào. Việc hoàn toàn không ăn thịt đỏ sẽ có thể rất dễ dẫn đến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu sắt khiến cơ thể trở nên xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, đánh trống ngực và thiếu máu do thiếu sắt.

Chính vì vậy, bạn có thể tuân thủ thứ tự ăn thịt tốt nhất đó là không có chân (tôm, cá) -> hai chân (thịt gia cầm) -> bốn chân (thịt gia súc). Đồng thời kiểm soát số lượng thịt và ăn luân phiên các loại thịt thì như vậy mới có thể đảm bảo dinh dưỡng luôn được cân bằng.

3. Nên ăn lượng cá là bao nhiêu để tốt cho sức khỏe?

Tuy rất bổ dưỡng nhưng bạn không nên ăn cá quá nhiều mà chỉ nên ăn một lượng phù hợp đối với sức khỏe. Nhất là khi tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang này càng trở nên nghiêm trọng. Cá, nhất là các loại cá ăn thịt nằm ở vị trí đầu chuỗi thức ăn sẽ rất dễ bị làm giàu kim loại nặng như chì, cadimi, thủy ngân và việc tiêu thụ các chất này vào cơ thể có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe. Theo các chuyên gia, hàm lượng cá trung bình dành cho người lớn là ăn hai lần một tuần hoặc 300-500 gram. Số lượng này đề cập đến thịt cá nguyên chất, không bao gồm xương cá và các bộ phận không ăn được khác bị loại bỏ.

4. Những bộ phận nào của cá không nên ăn nhiều?

Các chuyên gia khuyến cáo, thay vì ăn các con cá lớn thì bạn nên cố gắng ăn những con cá nhỏ hơn. Bởi những loài cá ăn thịt lớn hơn nằm ở cấp độ cao hơn trong chuỗi thức ăn, chính vì vậy mà chúng cũng có nhiều chất ô nhiễm hơn bên trong cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên ăn ít mực vì hàm lượng cholesterol trong loại thực phẩm này khá cao, những người mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não nên cẩn thận khi ăn. Bạn không nên ăn hoặc ăn ít các cơ quan nội tạng của cá, vì các chất ô nhiễm thường tích tụ trong gan, thận, phổi và các cơ quan nội tạng khác. Chẳng hạn, các bộ phận được làm giàu của kim loại nặng cadmium trong cá lần lượng từ lớn đến nhỏ là nội tạng, xương, mang, cơ.

5. Cách chế biến cá nào có thể đem lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe?

Để ăn cá, bạn nên chế biến cá bằng cách hấp hoặc nấu súp, không nên chiên và rán kỹ. Phương pháp hấp sẽ tối đa hóa việc giữ lại các chất dinh dưỡng trong cá, giảm thiểu lượng dầu hấp thụ và tối đa hóa vị ngọt thịt của cá.

Một số người thích ăn cá sống, nhưng cần lưu ý rằng một số loại cá có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng. Ăn cá nấu chín sẽ an toàn hơn nhiều so với ăn sống.

Tác giả: Minh Hằng