5 thảo dược rẻ tiền thổi bay mùi hôi miệng tốt hơn cả kẹo cao su

( PHUNUTODAY ) - Mùi hôi miệng sẽ khiến bạn thiếu tự tin trong giao tiếp. Nhai kẹo cao su mặc dù có thể giúp giảm hôi miệng nhưng lại làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây hại cho răng,…

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hôi miệng. Chẳng hạn như do vệ sinh răng miệng kém, nhiễm trùng nướu, lợi, mắc bệnh lý như viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày,…

Ngoài ra, hơi thở có mùi cũng có thể là triệu chứng của tiểu đường hoặc bị bệnh về gan.

Để có hơi thở thơm tho, nhiều người có thói quen nhai kẹo cao su. Tuy nhiên, nếu bạn dùng kẹo cao su không đường thì chất làm ngọt trong kẹo có tác dụng nhuận tràng khi tiêu thụ một lượng lớn. Nếu ăn nhiều loại kẹo đó, bạn có thể bị tiêu chảy. Người mắc hội chứng ruột kích thích sẽ gặp vấn đề về tiêu hóa.

Còn nếu nhai kẹo cao su có đường thì không tốt cho răng. Vi khuẩn xấu trong miệng sẽ tiêu hóa đường, gia tăng mảng bám trên răng và sâu răng theo thời gian.

Ngoài ra, một đánh giá cho hay thường xuyên nhai kẹo cao su có thể gây đau đầu ở những người dễ bị các cơn đau do áp lực và đau nửa đầu.

Bên cạnh việc điều trị nguyên nhân, bạn có thể áp dụng thêm những bài thuốc dân gian sau để giảm chứng hôi miệng. Chúng tốt hơn nhiều so với việc nhai kẹo cao su.

Chanh

Bạn thái vài lát chanh cả vỏ rồi cho vào ly nước uống sẽ có tác dụng tốt trong việc giảm hôi miệng. Trong chanh chứa nhiều vitamin C, vỏ chanh lại chứa tinh dầu nên sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng hôi miệng.

Đinh hương

Nếu bạn bị dạ dày cho nhiễm khuẩn HP (Helicobacter Pylori), bạn có thể dùng cây đinh hương phơi khô pha trà uống.

Trong trà đinh hương có các thành phần eugenol và dầu đinh hương có tác dụng kháng khuẩn, giúp làm giảm hoạt động của vi khuẩn HP. Vì vậy mà loại trà này góp phần làm hơi thở thơm tho hơn.

Lá tre

Lá tre phơi khô, pha với nước uống không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc mà còn hỗ trợ trị hôi miệng. Đặc biệt, người có cơ địa nóng hoặc mắc bệnh gan gây tình trạng hôi miệng cũng nên uống trà lá tre mỗi ngày.

Hoa mộc

Hoa mộc thuộc bộ Lamiales, chi Osmanthus. Theo dân gian, uống trà hoa mộc phơi khô giúp làm ấm phổi, giảm ho, khử hiệu quả chứng hôi miệng.

Trong trà Osmanthus chứa nhiều oxit linaloyl, có mùi thơm nồng. Những người bị hôi miệng nên uống 1-2 cốc trà hoa mộc mỗi ngày.

Với những người bị chứng táo bón, hơi thở hôi do gan yếu thì có thể dùng hoa mộc khô sắc với lá trà xanh để uống. Trong trà xanh có chứa hợp chất polyphenol có thể ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn hôi miệng.

Bạc hà

Thành phần chính trong tinh dầu bạc hà gồm chất menthol và menthone, có tác dụng kháng khuẩn rất hiệu quả. Chính vì vậy mà trong nhiều sản phẩm kem đánh răng có chứa thành phần bạc hà để giúp hơi thở người dùng thơm mát hơn.

Bạn có thể uống vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc dùng lá bạc hà sấy khô uống như uống trà.

Tác giả: Trần Thu Thủy