Bánh trung thu là món không thể thiếu trong dịp Rằm tháng 8. Bánh được làm từ bột mì, đường, bơ, mỡ lợn và đa dạng các loại nhân khác. Do đó, bánh trung thu không chỉ chứa nhiều chất béo, nhiều đường mà còn cung cấp rất nhiều năng lượng.
Việc sử dụng bánh trung thu nhiều sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, đặc biệt là những người thừa cân, béo phì, người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và các bệnh mạn tính khác.
6 đại kỵ khi ăn bánh trung thu
Không ăn bánh trung thu lúc đói
Ăn những món ngọt như bánh trung thu lúc đói sẽ làm bạn mất đi một lượng lớn vitamin B - loại vitamin giúp chuyển hóa đường thành năng lượng hữu ích. Ăn bánh trung thu lúc đói không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải mà còn làm cân nặng tăng nhanh do đường được chuyển hóa thành chất béo.
Không ăn ngay sau khi ăn cơm
Các chuyên gia cho biết, sau khi ăn cơm, bạn đã nạp đủ lượng tinh bột và đường cần thiết. Do đó, ăn bánh trung thu sau khi đã ăn cơm sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Việc này sẽ khiến năng lượng bị dư thừa và được chuyển hóa thành chất béo dự trữ không tốt cho cơ thể. Tốt nhất bạn nên ăn bánh trung thu cách bữa ăn khoảng 3 giờ.
Không ăn bánh trung thu sau 19 giờ
Buổi tối, sau khoảng 19 giờ là thời điểm chúng ta ít vận động. Ăn bánh trung thu vào lúc này khiến cơ thể bị dư thừa năng lượng và chúng được chuyển hóa thành chất béo, tích tụ trong cơ thể, gây tăng cân, không tốt cho huyết áp.
Không ăn quá nhiều
Bánh trung thu được làm từ bột, đường và mỡ hoặc dầu ăn cùng các nguyên liệu khác. Nó cung cấp rất nhiều năng lượng. 120g bánh trung thu có thể cung cấp 700-900 calo. Trong khi đó, một người trưởng thành chỉ cần khoảng 2000 calo/ngày.
Vì vậy, ăn quá nhiều bánh trung thu có thể gây tăng cân, không tốt cho sức khỏe.
Không ăn bánh trung thu cùng trà đặc, cà phê, nước có gas
Nhiều người có thói quen ăn bánh trung thu và nhâm nhi một ly trà đặc hoặc uống cà phê hay nước ngọt có gas. Tuy nhiên, các đồ uống có chứa caffein này không tốt cho những người huyết áp cao. Nếu sử dụng cùng với bánh trung thu lại càng có hại cho sức khỏe.
Không ăn bánh quá hạn
Bánh trung thu được làm từ những nguyên liệu tươi như trứng, thịt mỡ... nên có thời gian bảo quản tương đối ngắn. Do đó, ngay cả khi bánh chưa có dấu hiệu mốc nhưng đã quá hạn sử dụng thì tuyệt đối không nên ăn vì rất có thể thành phần đã bị biến đổi chất, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
5 lưu ý khi sử dụng bánh trung thu
Về hạn sử dụng
Sản phẩm phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng. Tốt nhất nên sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng. Không dùng bánh trung thu đã hết hạn ngay cả khi bánh không có dấu hiệu mốc hỏng.
Về nhãn mác
Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng gồm tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng và bảo quản, ngày sản xuất, hạn sử dụng... Không lựa chọn các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Về chất lượng
Bao bì không bị rách, bánh không bị nát, biến dạng, không có màu sắc hay mùi vị khác thường.
Về thành phần dinh dưỡng
Trước khi mua bánh, bạn nên đọc thành phần dinh dưỡng để biết các thông tin về năng lượng, chất béo, chất đường bột có trong một chiếc bánh hoặc 100 gram bánh. Thông tin này giúp bạn điều chỉnh lượng bánh và các món ăn khác cho phù hợp, tránh tiêu thụ quá nhiều gây dư thừa năng lượng.
Tùy theo trọng lượng bánh mà mỗi loại có thể cung cấp lượng năng lượng khác nhau, trung bình 25 gram bánh trung thu có thể cung cấp 100-150 kcal, bằng 1/2-2/3 bát cơm.
Về số lượng sử dụng
Tốt nhất chỉ nên ăn từng miếng bánh nhỏ, không ăn quá nhiều.
Người bị bệnh tiểu đường, tim mạch, thừa cân, béo phì và đang mắc các bệnh mạn tính có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Bởi bánh trung thu giàu năng lượng, chứa nhiều đường và chất béo, có thể ánh hưởng xấu đến sức khỏe của những người thừa cân, béo phì, người đang cần kiểm soát cân nặng.
Tác giả: Thanh Huyền
-
6 thực phẩm thường thấy trong nhà bếp giúp chống lại quá trình oxy hóa, ngăn ngừa "tế bào lạ"
-
Dinh dưỡng tại nhà cho bệnh nhân nhiễm Covid -19
-
4 cách giúp F0 khắc phục khi bị mất mùi, mất vị, không để ảnh hưởng tới việc ăn uống
-
Ăn loại thực phẩm này giảm 41% nguy cơ nhiễm Covid-19 nặng
-
Người bệnh tiểu đường sau khi được chữa khỏi Covid-19 nên ăn gì?