6 loại đồ uống tốt cho người bị viêm xoang

( PHUNUTODAY ) - Những loại đồ uống này có tác dụng tốt trong việc giảm các triệu chứng của người bị viêm xoang.

Trà gừng

Gừng có chứa tinh dầu, vị cay, tính ôn, tác dụng trị cảm mạo phong hàn, đau đầu, nghẹt mũi, trị đầy bụng, nôn mửa, giải độc, kích thích tiêu hóa...

Những người bị viêm xoang có thể sử dụng trà gừng để giảm cảm giác khó chịu, nhất là khi trời trở lạnh.

Cách làm trà gừng rất đơn giản. Bạn có thể lấy một củ gừng già tươi, rửa sạch, đập dập rồi cho vào chảo rang vàng. Sau đó, đổ nước vào chảo và đun sôi. Chắt lấy phần nước để uống. Nước gừng sẽ giúp giảm đờm, dịch mũi họng.

Trà bạc hà

Lá bạc hà có chứa các thành phần như menthola, menthon, flavonozit. Bạc có có mùi thơm, vị the, tính mát, tác dụng phát tán, phong nghiệt, sát khuẩn, trị nghẹt mũi, viêm họng, đau mắt đỏ, ngứa, mề đay, đau bụng, tiêu chảy, kích thích tiêu hóa...

Bạn có thể sử dụng lá bạc hà tươi hoặc bạc hà khô hãm với nước nóng để dùng như các loại trà bình thường. Ngoài ra, xông hơi bằng nước nấu từ lá bạc hà hoặc có chứa tinh dầu bằng hà cũng mang lại hiệu quả tốt.

Trà hoa cúc

Hoa cúc có chứa tinh dầu, sắc tố crisan tenin, vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Nguyên liệu này có tác dụng giải cảm, giải độc, giúp trị đau đầu, chóng mặt, sáng mắt, miệng khô đắng, cổ họng và mũi khô...

Bạn chỉ cần khoảng 50 gram hoa cúc khô, 3 lát cam thảo bỏ vào nồi cùng 1,5 lít nước và đun sôi 3-5 phút. Có thể cho thêm đường phèn và uống khi còn ấm.

Nước uống từ quả cam

Trong Đông y, từ vỏ đến hạt cam đều có thể sử dụng làm thuốc. Quả cam có vị chua ngọt, tính bình. Phần vỏ có vị đắng, tính hơi ôn còn hạt cam vị đắng, tính bình; tác dụng nhuận phế sinh tân, lý khí hòa vị, hành khí giảm đau, tiêu đờm, thông tiện...

Bạn có thể ăn cam, uống nước cam để tăng cường sức đề kháng. Phần vỏ và hạt cam có thể sắc lấy nước uống.

Để trị ho, tiêu đờm trong các bệnh lý về viêm xoang, hô hấp, có một số bài thuốc từ quả cam mà bạn có thể tham khảo:

- Cam rửa sạch, để nguyên vỏ và bổ ra thành miếng vừa ăn rồi cho vào bát. Thêm 3 lát gừng tươi, 10 gram đường phèn. Đem hỗn hợp đi chưng cách thủy 3 tiếng. Khi dùng ăn cả phần vỏ và ruột cam sẽ giúp tiêu đờm.

- Vỏ cam, tía tô, củ cải trắng rửa sạch, cho vào nồi nước nấu sôi. Khi uống, cho thêm đường phèn cho vừa khẩu vị.

Lưu ý, người tỳ vị yếu, phụ nữ sau sinh không nên dùng quá nhiều.

Nước dứa

Dứa có vị ngọt, hơi chua, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, giải khát, lợi tiểu, giảm sưng phù, giải rượu...

Lấy 150 gram thịt dứa cho vào nồi cùng một ít nước, thêm 30ml mật ong và đun nhỏ lửa cho dứa mềm. Sử dụng hỗn hợp này ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối giúp giảm ho, giảm đờm đặc.

Nước lá kinh giới

Lá kinh giới có chứa tinh dầu, mùi thơm, vị cay the, tính ấm; tác dụng giải biểu, tán phong hàn, trị cảm sốt, giảm đau đầu, chảy nước mũi, đau họng...

Lấy 10 gram lá kinh giới cùng 10 gram lá tía tô rửa sạch và cho vào nồi nước đun sôi để lấy nước uống sẽ giúp trị cảm cúm, đau đầu, chảy nước mũi.

Tác giả: Thanh Huyền