Ăn cơm nguội tốt hơn cơm nóng? Đáp án khiến nhiều người bất ngờ

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người tò mò không biết ăn cơm nguội hay cơm nóng tốt hơn? Câu trả lời khiến bạn bất ngờ.

Ăn cơm nguội tốt hơn cơm nóng?

Có lẽ ít người biết rằng ăn cơm nguội có thể tốt hơn so với cơm nóng. Với cơm trắng, khi còn nóng, hàm lượng tinh bột trong đó duy trì ở mức bình thường. Khi tiêu hóa, tinh bột này sẽ chuyển hóa thành glucose, làm tăng đường huyết. Điều này không có hại với người khỏe mạnh nhưng lại không tốt cho người có kháng insulin.

Tuy nhiên, khi cơm trắng được để nguội, cấu trúc tinh bột thay đổi thành tinh bột kháng, có lợi cho sức khỏe. Quá trình tiêu hóa tinh bột kháng diễn ra chậm hơn trong dạ dày và ruột non, và khi đến ruột già, nó nuôi dưỡng lợi khuẩn.

Tinh bột kháng cũng có thể kích thích sự sản xuất axit béo chuỗi ngắn bởi các vi khuẩn có lợi, giúp giảm triệu chứng của nhiều bệnh như viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng, tiêu chảy và hỗ trợ giảm cân.

Một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Châu Á - Thái Bình Dương đã chỉ ra rằng, không chỉ tăng hàm lượng tinh bột kháng, việc hâm nóng lại cơm nguội còn giúp giảm phản ứng đường huyết. Hơn nữa, cơm nguội cũng làm cho cảm giác no kéo dài, giúp kiểm soát cảm giác đói.

Nên lưu ý gì khi ăn cơm nguội?

Dĩ nhiên, cơm nguội có lợi ích, nhưng có một số điều bạn cần chú ý. Khi cơm được đặt trong tủ lạnh, hơi lạnh từ môi trường tủ có thể làm cơm mất đi hương vị và độ ẩm. Kết quả là, cơm sẽ trở nên khô và không còn ngon như ban đầu, ngay cả khi bạn hâm nóng lại. Thậm chí, mùi vị cũng không thể được khôi phục.

Hơn nữa, cơm thừa có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn B.cereus trong cơm nguội có thể gây ra các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và đau đầu. Để tránh điều này, cần bảo quản cơm nguội đúng cách và ở nhiệt độ phù hợp. Nếu cơm có mùi lạ hoặc thay đổi màu sắc, hãy tuyệt đối không ăn.

So với cơm nóng, cơm nguội có khả năng tăng đường huyết một cách chậm hơn, nhưng vẫn thuộc loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số đường huyết của cơm nóng là 91, trong khi cơm nguội là 88, vẫn cao. Tuy nhiên, sự khác biệt về chỉ số đường huyết giữa cơm nóng và cơm nguội không lớn. Do đó, bạn có thể ăn cơm nóng hoặc nguội, không có sự thay đổi đáng kể về chỉ số đường huyết.

Tác giả: Quỳnh Trang