Án tử dành cho người vợ chặt đầu chồng rồi phân xác phi tang liệu có xứng đáng và hợp lý không?

( PHUNUTODAY ) - Trong trường hợp có cơ sở xác định Hoàng Thị Hồng Diễm thực hiện hành vi gi.ết chồng thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người, với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngày 18/12, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đang tạm giữ đối tượng Hoàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) để điều tra về hành vi giết người. Nạn nhân chính là chồng của Diễm - ông Trần Thanh Tú (37 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng).

Qua làm việc, ban đầu Diễm khai đã sát hại chồng mình, sau đó phân chia xác bỏ vào nhiều bao nilon rồi dùng xe máy chở đến nhiều bãi rác khác nhau.

Phi tang xác chồng xong, Diễm đem chiếc xe máy về tiệm sửa xe trên đường Thuận Giao 05 thay lốp do xe bị dính vết máu..

 Nghi phạm Hoàng Thị Hồng Diễm và hiện trường vụ việc.

Nhận định những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, luật sư Vũ Quang Bá, công ty Luật Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Có thể nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu của tội Giết người.

Hiện nay, cơ quan điều tra đã bước đầu xác định nghi can là vợ nạn nhân. Trong trường hợp có cơ sở xác định vợ nạn nhân là người thực hiện hành vi giết chồng thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh Giết người theo quy định tại Điều 93, Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), với mức hình phạt cao nhất là tử hình".

Đối với hành vi phân xác nạn nhân, theo luật sư Vũ Quang Bá cần nhìn nhận dưới 2 góc độ để làm căn cứ quyết định hình phạt.

Thứ nhất, trường hợp thủ phạm thực hiện hành vi phân xác khi thực hiện hành vi phạm tội thì có thể xem xét về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 48, Bộ luật Hình sự 1999 “dùng thủ đoạn tàn ác phạm tội”. Theo đó, dùng thủ đoạn tàn ác trong khi phạm tội là người phạm tội có những mánh khóe, cách gây án tàn nhẫn...

Thứ hai, trong trường hợp thủ phạm phân xác nạn nhân nhằm mục đích phi tang được thực hiện sau khi nạn nhân đã chết tức là thủ đoạn nêu trên xảy ra sau khi tội phạm đã hoàn thành thì được xem thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm” được quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 48, Bộ luật Hình sự 1999.

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định: Trong vụ án này, thoạt nghĩ đến hành vi của nghi phạm, ai trong chúng ta cũng cảm thấy ghê sợ và lên án. Tuy nhiên, nếu quá trình điều tra của cơ quan CSĐT sở tại kết luận mục đích động cơ phạm tội của người vợ là có chủ ý và nhằm mục đích khác thì người vợ sẽ bị truy tố theo điều 93 Bộ Luật Hình sự (BLHS) hiện hành về tội "Giết người". Ngược lại, nếu quả thật những lời khai ban đầu của nghi phạm - người vợ với khởi nguyên dẫn đến hậu quả như vậy là do cuộc sống gia đình bị chồng áp bức, ngoại tình, bạo lực cũng như tình huống "bị kích động mạnh" dẫn đến sự việc thương tâm thì theo luật định, tội danh người vợ sẽ bị truy tố theo điều 95 BLHS hiện hành về tội "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh". Nói chung, tùy theo động cơ, mục đích phạm tội của mình, người vợ chắc chắn sẽ nhận bản án với hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội.

"Đúng là ghen tuông làm người ta dồn nén nhưng nó không được xem là tình tiết để xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự" - luật sư Nguyễn Văn Tiến, Đoàn Luật sư TP HCM, nói. Về việc có thể truy tố người vợ tội danh gì, luật sư Tiến cũng cho rằng còn tùy thuộc vào diễn biến trong đêm gây án. Trường hợp 1: Đêm đó, cửa phòng khóa chặt, trong hơi men, người chồng cầm dao có ý định giết vợ. Nếu người vợ không kháng cự, có thể bị giết ngay. Trong trường hợp này, khó truy tố người vợ tội giết người. Trường hợp 2: Nếu việc cự cãi này xuất phát từ việc ghen tuông và mâu thuẫn lâu ngày của vợ chồng; việc giằng co xảy ra bình thường không gây nguy hiểm đến tính mạng người vợ mà người vợ có hành vi chém chồng thì người này bị khởi tố về tội giết người.

Tác giả: Vân Tiên