Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt đoạn chia sẻ về cách “trị” chứng vặn mình ở trẻ sơ sinh. Theo đoạn chia sẻ này, sở dĩ trẻ bị vặn mình hay còn gọi là rướn là do trẻ có lông đẹn ở dưới da gây ngứa, khiến trẻ khó chịu, mất ngủ…
“Nuôi con ngán ngẩm nhất là thời gian con vặn mình, ai trải qua mới biết. Nhà mình hết ném dây thừng buộc trâu vào gầm giường, rồi mua ốc gai biển tắm cho con nhưng không hết.
Lông đẹn nó ẩn sâu dưới da nên con ngứa ngáy, khó chịu. Mà con bé thì làm sao biết gãi, chỉ biết vặn mình như sâu đo ấy”, một đoạn chia sẻ trên mạng xã hội.
Ngay sau đó, bà mẹ trẻ đã hướng dẫn 1 cách làm mà bà mẹ này cho là vô cùng hữu hiệu làm một tuần sẽ có hiệu quả.
Theo đó, phương pháp được chia sẻ là kết hợp lòng trắng trứng gà với nước cốt chanh, đánh tan lên thành một hỗn hợp để xoa vòng tròn khắp người cho em bé. Cũng theo bà mẹ này "đánh tới đâu lông đẹn vón vào đến đó, cứng ngắc luôn". Sau đấy các mẹ chỉ cần lấy bột mỳ xoa đi để làm sạch lông đẹn. Ngoài ra, người hiến kế này còn dặn dò các mẹ nhớ đánh bằng lòng bàn tay để con không bị rát.
Chỉ vài giờ sau khi đăng tải, bài viết này đã được gần 20.000 lượt chia sẻ và hiện vẫn tăng với tốc độ chóng mặt.
Những lời chia sẻ thuyết phục, cộng với hình ảnh một em bé lưng trần, nổi lông đen khắp người như tưởng tượng về lông đẹn khiến nhiều mẹ tin rằng đây là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu và cần lưu lại để làm thử cho em bé nhà mình. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy nuối tiếc vì không biết đến cách này sớm hơn khiến con từng bị vặn mình, khó ngủ.
Tuy nhiên, bên cạnh hàng nghìn mẹ chia sẻ và coi đó như là một bí quyết bỏ túi cho mình, thì cũng có rất nhiều mẹ cảm thấy e ngại và nghi ngờ về độ xác thực cũng như căn cứ khoa học của phương pháp này vì lòng trắng trứng, nước cốt chanh không chỉ ảnh hưởng đến làn da của trẻ, mà còn làm tăng khả năng nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi thoa bột mỳ lên da.
“Da trẻ mỏng manh như vậy mà dùng chanh để chà lên thì con chịu làm sao được. Các mẹ cần phải cân nhắc khi sử dụng phương pháp này”, bạn Thanh Huyền bình luận.
Còn bạn Mai Ngô cho rằng: “Lòng trắng trứng và cả bột mỳ khác gì kiểu trộn xi măng rồi chà lên da trẻ, như vậy da trẻ sẽ bị lột hết lên chứ chẳng phải lông đẹn nữa”.
Trong khi các mẹ vẫn đang tranh cãi về phương pháp hoàn toàn mới trên thì một bà mẹ "nhanh nhẹn" áp dụng nó đã ngậm ngùi lên tiếng hối hận. Theo đó, khi bà mẹ có nick facebook O. V này thực hiện theo những gì được chỉ dẫn phía trên thì lông đẹn trên người bé vón thành từng cục nhỏ phải vặt như "vặt lông gà" mới bật được nó. Khi nhổ em bé rất đau, khóc thét và da bị đỏ ửng.
Ngay sau khi chia sẻ, bà mẹ này đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích rằng không biết tiếp thu chọn lọc thông tin, nhưng cũng có 1 số người cho rằng đây là một bài học dành cho O. V. rút kinh nghiệm.
Trước thông tin làm hoang mang dư luận trên, bác sỹ Lê Minh Trác, chuyên khoa Nhi của bệnh viện Phụ sản Trung Ương khẳng định việc lấy hỗn hợp lòng trắng trứng gà và nước cốt chanh xoa lên người bé sơ sinh để đánh lông đẹn giúp trẻ hết vặn mình là một việc làm phi khoa học. Hơn 15 năm trong nghề, chưa bao giờ bác sỹ nghe đến phương pháp này. Và nếu các mẹ mù quáng áp dụng thì thật sự quá nguy hiểm.
Bác sỹ Trác nhấn mạnh: "Bản thân hỗn hợp lòng trắng trứng gà và nước chanh đã rất mất vệ sinh, khi xoa lên da của bé có thể sẽ gây nhiễm khuẩn làn da non nớt của trẻ. Việc làm này cũng không thể kiểm soát được những bệnh lây nhiễm, mà các vi khuẩn có trong lòng trắng trứng gà còn có thể khiến làn da mẫn cảm của bé sơ sinh bị viêm, sưng tấy. Tương tự thế, lấy bột mì xoa lên da bé cũng có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn lúc nào không hay".
Cũng theo bác sỹ Trác, hiện tượng vặn mình, rướn người đến đỏ mặt ở một em bé sơ sinh là hoàn toàn tự nhiên. Em bé cần vận động để lớn lên, cũng như người lớn cần đi lại, chạy nhảy vậy. Và không thể coi đó là một bệnh lý trừ khi có những dấu hiệu bất thường khác như quấy khóc, bỏ bú, ngủ ít, chậm tăng cân…
Nếu bé vặn mình mà vẫn phát triển bình thường, ăn ngủ tốt thì người lớn cần tôn trọng đặc điểm vận động này ở trẻ mà không nên lo lắng hay đổ lỗi cho nguyên nhân là do “lông đẹn” như trong dân gian thường hay truyền miệng. Đến một thời kỳ, thường là sau khi trẻ được 2-3 tháng, hiện tượng vặn mình ở trẻ sẽ tự biến mất.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Ruột đau như cắt: Bé sơ sinh bị mẹ vứt vào thùng rác đựng giấy vệ sinh bẩn công cộng vì quá nghèo
-
Nghi vấn mẹ 9x giết con gái 2 tháng tuổi trong phòng tắm
-
Nữ hộ sinh bị tố tắc trách khiến trẻ sơ sinh tử vong
-
Vụ làm gãy xương đùi trẻ sơ sinh sau khi mổ đẻ: Bệnh viện chính thức lên tiếng
-
Mổ đẻ làm rách mặt trẻ sơ sinh: Bác sĩ "chối bay" trách nhiệm đổ lỗi do da bụng mỏng