Chọn đúng loại sấu để làm sấu ngâm đường
Không phải loại sấu nào cũng có thể làm sấu ngâm đường. Những quả sấu non, có phần hạt mềm, ăn được luôn sẽ không thích hợp để làm sấu ngâm. Sấu non ngâm sẽ dễ bị ủng, không để được lâu. Trong khi đó, sấu già có phần hạt to, ít thịt cũng không phải lựa chọn tốt nhất để làm sấu ngâm đường.
Để làm sấu ngâm đường, bạn nên chọn loại sấu bánh tẻ, không quá non cũng không quả già. Nên lựa những quả sấu có phần vỏ xanh nhạt, cuống tươi, quả cứng, không sâu hỏng, không dập nát và có phần cùi dày.
Sơ chế sấu trước khi làm sấu ngâm đường
Sâu mua về cần được rửa thật kỹ để loại bỏ bụi bẩn và các tạp chất khác. Dùng dao cạo nhẹ phần vỏ bên ngoài của quả sấu. Loại bỏ phần này giúp giảm đi vị chát của sấu, giúp sấu ngấm đường tốt hơn. Hiện nay, các hàng có máy cạo vỏ sấu. Bạn có thể mua sấu về và đem ra hàng thuê người ta cạo vỏ để tiết kiệm thời gian, công sức.
Một trong những bí quyết làm sấu ngâm đường mà quả sấu không bị thâm xỉn của người Hà Nội xưa là ngâm sấu trong nước vôi trong.
Sấu sau khi đã cạo sạch lớp vỏ bên ngoài thì có để lấy dao đập nhẹ từng quả cho sấu hơi nứt rao. Bạn cũng có thể dùng dao nhỏ để tách thịt sấu theo vòng xoắn ốc xung quanh hạt, sao cho phần thịt sấu không bị gãy, một phần thịt sấu vẫn bám vào hạt là được.
Đem sấu đã đập hoặc cát ngâm với nước muối loãng trong khoảng 30 phút. Bước này sẽ giúp sấu giòn hơn. Ngoài ra, việc ngâm nước muối này giúp phá vỡ các enzyme và làm hỏng ADN của các loại vi khuẩn. Khi đó, sấu ngâm sẽ không bị nổi váng.
Vớt sấu ra để cho ráo nước trước khi đem ngâm. Một số gia đình sẽ làm thêm bước trụng sấu qua nước phèn chua. Cách này giúp sấu giòn hơn.
Tỷ lệ đường khi làm sấu ngâm đường
Tỷ lệ sấu và đường nên là 1:1. Lượng đường này sẽ giúp át đi vị chua của sấu và cũng giúp bảo quản sấu được lâu mà không bị hỏng.
Cho sấu vào đường vào một tô lớn rồi trộn thật đều cho đường bao phủ toàn bộ quả sấu.
Thời gian ướp sấu với đường sẽ kéo dài trong khoảng 4-6 tiếng. Khi đường đã tan chảy thành nước, quả sấu vẫn còn căng vỏ thì vớt sấu ra để riêng. Nếu ngâm lâu hơn, sấu sẽ tiết ra nhiều nước hơn, da hơi nhăn lại. Bạn có thể tùy chọn ngâm sấu trong thời gian ngắn hay dài tùy sở thích.
Đun sôi nước đường ngâm sấu
Phần nước đường ngâm sấu sẽ được đổ vào nồi và đun sôi ở lửa vừa. Trong quá trình đun, nên khuấy đều tay để tránh đường ở dưới đáy nồi bị cháy. Thêm gừng tươi đập dập vào để tạo mùi thơm.
Đun cho đến khi thấy đường hơi sánh nhẹ là có thể tắt bếp.
Để cho nước đường nguội hoàn toàn rồi mới đổ vào bình ngâm sấu. Nếu đổ nước đường vào sấu khi còn ấm thì sấu sẽ bị nhũn và dễ nổi váng.
Bình đựng sấu phải được tiệt trùng bằng nước nóng và để khô ráo trước khi làm. Cho sấu và nước đường nguội vào bình, đậy kín nắp và để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Sau khoảng 2 ngày, sấu ngấm đường hoàn toàn là có thể đem ra sử dụng.
Muốn bảo quản sấu lâu hơn, sau khoảng 1 ngày (tính từ thời điểm đổ nước đường đã nấu vào ngâm sấu), bạn sẽ chắt hết phần nước dường ra rồi tiếp tục đun sôi một lần nữa. Chờ cho nước đường nguội thì đổ lại vào bình ngâm sấu.
Mỗi lần lấy sấu ra, hãy dùng thìa sạch để tránh làm hỏng sấu trong bình.
Tác giả: Thanh Huyền
-
3 cách bảo quản trứng khiến trứng nhanh hỏng mà nhiều người không biết
-
Mẹo bảo quản dưa hấu tươi ngon, để lâu không hỏng
-
Vỏ dứa có nhiều lợi ích tuyệt vời, giữ lại giúp giải quyết ít nhất 4 vấn đề trong nhà
-
Bảo quản cà chua theo cách này, không cần cho vào tủ lạnh vẫn tươi ngon, lâu hỏng
-
Vì sao nên cắm một chiếc đũa vào quả dưa hấu trước khi bổ?