Các chuyên gia tâm lý học đại học Harvard chia sẻ 6 nguyên tắc nuôi dạy con thông minh, ngoan ngoãn và tự lập

( PHUNUTODAY ) - Có rất nhiều những phương pháp được đưa ra giúp cho cha mẹ có thể nuôi dạy con một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cảm thấy một chút gì đó thiếu sót những ý tưởng đơn giản, thực tiễn trong việc dạy dỗ con em của mình.

1. Dành nhiều thời gian hơn cho con

Việc dành thời gian cho con cái của mình chính là nền tảng của tất cả mọi thứ. Dù bạn có sử dụng những phương án dạy con tốt nhất, cho con tham gia nhiều các hoạt động hay đem lại cho con nguồn vật chất, đồ chơi tốt nhất đi chăng nữa mà không có thời gian dành cho con thì tất cả cũng trở nên vô nghĩa mà thôi.

Đối với mỗi đứa trẻ hoạt động vui nhất là khi có cha mẹ cùng tham gia, món đồ chơi thú vị nhất đó là khi có cha mẹ chơi cùng. Dành thời gian thường xuyên hơn cho con sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sở thích cũng như các vấn đề của con. Hãy dành thời gian lắng nghe ý kiến từ con, từ đó bạn có thể khám phá được rất nhiều những tính cách độc đáo của con mà thường ngày rất khó có thể nhận ra, cùng với đó sẽ giúp con học được cách quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu người khác.

2. Hãy cho con biết rằng con rất quan trọng với bạn

Theo khảo sát của các chuyên gia tâm lý học, rất nhiều đứa trẻ không biết rằng, bản thân mình là điều quan trọng nhất trên thế giới trong cuộc sống của cha mẹ. Khi con còn bé cha mẹ có thể rất dễ dàng nói lời yêu thương như "cha mẹ yêu con nhất trên đời", nhưng khi con càng trưởng thành hơn cha mẹ lại rất hạn chế nói những lời yêu thương đơn giản đó. Nhiều cha mẹ thường có suy nghĩ rằng, chỉ cần hành động của bản thân thể hiện rằng mình yêu con là con có thể dễ dàng hiểu được.

Nhưng trên thực tế, con rất khó để có thể hiểu được điều đó, hoặc có thể hiểu thì cũng không thể khẳng định hoàn toàn rằng bản thân là tài sản quý giá nhất đối với cha mẹ mình. Con trẻ thật sự rất muốn được nghe những lời yêu thương này từ cha mẹ. Vì vậy, đừng nên quên nói với con về tầm quan trọng của chúng đối với bạn, giúp con cảm thấy được an toàn và bản thân được yêu thương.

3. Hỗ trợ con đối mặt và giải quyết với khó khăn

Trong học tập cũng như cuộc sống, con sẽ gặp phải không ít những khó khăn, nếu một ngày con từ bỏ một thứ mà bản thân luôn yêu thích thì bạn hãy hỏi con lý do con từ bỏ là gì, cùng với con phân tích sự việc, giúp con giải quyết những khúc mắc và khó khăn đó.

Sau khi chia sẻ cùng con, hãy hỏi con rằng liệu con có thật sự muốn từ bỏ điều đó hay không. Nếu lựa chọn của con vẫn còn một chút gì đó không nỡ, hãy khuyên con cố gắng hết sức mình một lần cuối cùng. Còn khi con đã muốn từ bỏ hoàn toàn , hãy giúp trẻ tìm thấy được những điều mới mẻ, khơi gợi lại niềm đam mê trong trẻ. Điều này sẽ giúp con không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào dành cho con.

4. Hướng dẫn con giúp bạn việc nhà và không quên "cảm ơn con"

Nghiên cứu cho thấy những người giàu lòng biết ơn là những người giàu lòng nhân ái, rộng lượng và rất thích giúp đỡ người khác. Để tập cho con những thói quen này, không cần đi đâu xa, bạn hãy lên kế hoạch hàng ngày cho con làm những công việc phụ giúp hàng ngày cho mình. Mục đích quan trọng là cha mẹ có thể lấy cái "cớ" đó để nói lời cảm ơn với con.

Đừng ai nghĩ rằng, việc con giúp cha mẹ như vậy là điều hiển nhiên, mà khi con phụ giúp mình như vậy nên nói lời cảm ơn với con sẽ giống như bạn đang ghi nhận những thành quả của con mỗi ngày. Các nhà tâm lý học khuyến khích thỉnh thoảng con tự làm được những công việc tốt, bạn hãy thưởng cho con một phần quà nhỏ.

5. Giúp con đối mặt với những cảm xúc tiêu cực

Những cảm xúc tiêu cực như tức giận, xấu hổ, ghen tị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng cũng như tính tình của con. Hãy cho con biết rằng những cảm xúc tiêu cực không phải dùng để thể hiện ra ngoài hay đè nén vào bản thân mà là phải đối mặt với nó bằng cách rèn luyện tính kiên nhẫn, tìm thấy những điều tích cực trong sự tiêu cực. Việc giúp con đối mặt với cảm xúc tiêu cực sẽ khiến con tự biết phân tích tình huống, giải quyết những xung đột trong nội tâm.

6. Hãy cho con biết được thế giới này rộng lớn và thú vị hơn rất nhiều con nghĩ

Trong cuộc sống hàng ngày, môi trường con tiếp xúc chỉ tiếp xúc với một thế giới nhỏ xung quanh. Hãy nhấn mạnh cho con tầm quan trọng của việc học hỏi từ những người xung quanh hay sự kiện bên ngoài vùng an toàn của chính mình để được mở mang những kiến thức mới mẻ. Cha mẹ có thể dạy trẻ thông qua phim ảnh, hội họa hay tin tức để giúp trẻ trở thành người biết lắng nghe, cảm thông và luôn đặt mình ở vị trí của người khác. Nhưng hơn hết, cha mẹ nên cho con đi nhiều nơi, tham gia nhiều các hoạt động bổ ích bên ngoài.

Không có thành công nào của cha mẹ bằng thành công nuôi dạy đứa con của mình trưởng thành, ngoan ngoãn và vui vẻ, hạnh phúc.

Tác giả: Minh Hằng