Cách tính "lương tháng 13", người lao động nên nắm để tránh bị mất quyền lợi

( PHUNUTODAY ) - "Lương tháng 13" là cách gọi nhằm nói đến khoản tiền thưởng trong dịp Tết dành cho người lao động.

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp phải trả "lương tháng 13" cho người lao động khi doanh nghiệp đã ban hành quy chế thưởng hợp pháp, công bố công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc và người lao động đáp ứng đủ các điều kiện thưởng Tết trong quy chế thưởng đã được công bố đó.

Người lao động cần biết cách tính "lương tháng 13", cụ thể trong các trường hợp như sau:

Nếu người lao động đã làm việc đủ 12 tháng thì tiền "lương tháng 13" được tính bằng mức bình quân của 12 tháng lương trong năm.

Cụ thể: Lương tháng 13 = Tiền lương trung bình 12 tháng trong năm.

Nếu người lao động không làm đủ 12 tháng thì tiền "lương tháng 13" được tính tương ứng với số tháng làm việc trong năm. Cụ thể: Lương tháng 13 = (Số tháng làm việc trong năm/12) x Tiền lương trung bình 12 tháng trong năm.

Trường hợp đặc biệt, đối với người lao động có đóng góp đáng kể, cách tính "lương tháng 13" tùy thuộc vào đặc điểm của từng công ty. Thưởng Tết có thể thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc bằng các hình thức khác nhau. "Lương tháng 13" được xem là nội dung nằm trong chính sách phúc lợi của doanh nghiệp, đồng thời thể hiện sự chia sẻ, động viên của doanh nghiệp đối với người lao động sau một năm đồng hành, cống hiến hết mình cho công việc.

Vậy, khi nhận khoản thu nhập "lương tháng 13", người lao động có phải đóng thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội hay không?

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012) có quy định tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công được xem là khoản thu nhập chịu thuế. Chính vì vậy, khi nhận tiền "lương tháng 13", người lao động phải có trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Căn cứ vào Thông tư 59/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (được sửa đổi bởi Thông tư 06/2021) có quy định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động,... Như vậy, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội khi nhận "lương tháng 13".

Ngoài tiền thưởng Tết ra, sau đây là khoản tiền người lao động sẽ nhận được trong dịp Tết:

Tiền lương làm thêm giờ trong dịp Tết

Theo Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ Tết.

Tuy nhiên, do đặc thù công việc, hoặc thực hiện theo sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động, mà nhiều người vẫn đi làm vào những ngày này. Như vậy, họ sẽ được tính là làm thêm giờ và hưởng lương làm thêm giờ.

Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết thì được hưởng ít nhất bằng 300% lương chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết đối với người lao động hưởng lương ngày.

Vì vậy, nếu tính cả lương được trả cho ngày nghỉ Tết, người lao động đi làm vào dịp này sẽ được hưởng ít nhất 400% lương của ngày làm việc bình thường.

Bên cạnh đó, nếu người lao động làm thêm giờ vào ban đêm sẽ được hưởng thêm lương làm việc vào ban đêm, và lương làm thêm giờ của công việc bình thường. Đồng thời, được hưởng thêm 20% tiền lương của công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc đó.

Tiền hỗ trợ từ công đoàn

Trong dịp Tết sắp đến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dành một nguồn lực nhất định để chăm lo, và có những phần quà thăm hỏi công nhân tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với số lượng khoảng trên 19.000 phần quà.

Mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 300.000 đồng bằng lương thực, cũng như các sản phẩm thiết yếu khác.

Dịp này, Tổng Liên đoàn cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính của mình, và nguồn kết dư của các năm trước, để tính toán một cách phù hợp theo nguyện vọng của đoàn viên, người lao động tại đơn vị mình nhằm chăm lo Tết.

Tổ chức Công đoàn còn dành một nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng để chăm lo cho hơn 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền mặt, mỗi suất quà là 500.000 đồng.

Ngoài hỗ trợ từ Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động tại các địa phương, nhất là với các địa bàn tập trung đông lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng dành một nguồn lực nhất định để chăm lo, hỗ trợ thêm cho công nhân.

Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán.

Đối tượng được nhận hỗ trợ là đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bản thân hoặc người thân (vợ, chồng, con) bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, bị hoãn hợp đồng lao động, thu nhập giảm sút; người lao động ở doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh bị nợ lương, không có tiền thưởng Tết.

Tổng số lao động được hỗ trợ dự kiến khoảng 20.000 người. Trong đó, công đoàn cấp trên trực tiếp chuyển khoản 1 triệu đồng/người cho 15.000 lao động. Lãnh đạo Trung ương, thành phố và Liên đoàn lao động thành phố trực tiếp thăm, chúc Tết, tặng quà cho 5.000 người, mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng và 1 túi quà trị giá 350.000 đồng.

Tại TP. HCM, thành phố cũng hỗ trợ 700.000 đồng tiền mặt và suất quà trị giá 300.000 đồng cho người lao động.

Ngoài hỗ trợ bằng tiền, dịp Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tổ chức các chương trình chăm lo khác cho người lao động như Tết Sum vầy, chợ Tết công đoàn…, với nhiều hỗ trợ thiết thực hướng đến đoàn viên, người lao động.

Tác giả: Vũ Ngọc