Cây dại ‘lột xác’ thành đặc sản: Hương vị lạ miệng, dân thành phố săn lùng

( PHUNUTODAY ) - Bạn có tin được không, loại cây mà ngày xưa người ta thường hái về cho lợn ăn giờ đây lại trở thành món đặc sản "gây sốt" ở thành phố? Loại cây này có hương vị lạ miệng, độc đáo, khiến ai nếm thử cũng phải nhớ mãi.

Ở miền Tây, có những loại rau trước đây thường bị nhổ bỏ hoặc chỉ dùng để cho lợn ăn, nay lại trở thành đặc sản độc đáo được nhiều người săn tìm. Điển hình trong số đó là cây kèo nèo.

Kèo nèo, còn được biết đến với tên gọi cù nèo, có lá hình tim nhọn, cuống màu xanh đậm và vỏ bọc bên ngoài cùng hệ gân song song. Khi nước lũ đổ về, dù nhiều loại cây khác bị trôi dạt, kèo nèo vẫn kiên trì bám trụ và phát triển mạnh mẽ.

Trước đây, người dân miền Tây hái kèo nèo về để ăn chống đói, phần còn lại thì cho gà lợn ăn. Hiện nay, loại rau dại này đã xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn, trở thành món đặc sản có hương vị độc đáo, hấp dẫn nhiều thực khách.

Trước đây, người dân miền Tây hái kèo nèo về để ăn chống đói

Cây kèo nèo có thể được chế biến thành nhiều món ngon như gỏi, xào tỏi, nấu canh chua, nhúng lẩu hoặc làm dưa chua. Những ai từng thưởng thức lẩu mắm ở miền Tây chắc chắn đều biết đến loại rau này.

Chị Hoài Anh nhớ lại: "Hồi còn bé, mỗi khi nhà hết đồ ăn, tôi thường theo mẹ ra ruộng hái kèo nèo về xào mỡ hoặc bóp giấm. Món này rất dễ làm và nhanh gọn, chỉ mất khoảng 3 phút là có ngay món ăn. Khi hái kèo nèo, hãy chọn phần non, cắt khúc vừa đũa gắp, rửa sạch và để ráo nước. Phi dầu mỡ cho thơm rồi cho kèo nèo vào xào. Hoặc có thể bóp với giấm đường và nước cốt chanh. Cả hai món này chấm với nước cá hoặc nước thịt kho ăn cùng cơm nóng đều rất ngon.

Đặc biệt, món lẩu mắm miền Tây không thể thiếu rau kèo nèo. Dù lẩu mắm có thể ăn kèm nhiều loại rau như rau đắng, rau muống, cà tím, hoa súng,... nhưng khi thiếu kèo nèo giòn và xanh mơn mởn, hương vị sẽ không còn trọn vẹn."

Món lẩu mắm miền Tây không thể thiếu rau kèo nèo

Theo chị Hoài Anh, rau kèo nèo có vị giòn ngọt, ban đầu có thể cảm nhận chút nhẫn đắng nhưng khi ăn quen sẽ thấy thích hương vị đặc trưng này. Không chỉ được bán ở miền Tây, một số cửa hàng rau đặc sản vùng miền cũng rao bán kèo nèo với giá lên tới 100.000 đồng/kg. Vì sự lạ và ngon, loại rau này luôn trong tình trạng cháy hàng.

Gần đây, nhiều hộ dân ở miền Tây đã mở rộng mô hình trồng kèo nèo, mang lại nguồn thu nhập đáng kể nhờ giá trị kinh tế cao. Được biết, kèo nèo trong mùa nước nổi cho sản lượng nhiều hơn so với mùa cạn, vì cây vượt theo nước nên cọng dài và to hơn. Đặc biệt, kèo nèo có thể thu hoạch hàng ngày mà không cần cách khoảng như các loại rau màu khác.

Gần đây, nhiều hộ dân ở miền Tây đã mở rộng mô hình trồng kèo nèo

Ngoài việc làm rau ăn, theo y học cổ truyền, cù nèo còn là một vị thuốc có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng và tiêu viêm. Kinh nghiệm dân gian thường dùng cù nèo để chữa viêm tiết niệu, di tinh, mộng tinh ở nam giới và khí hư bạch đới ở nữ giới.

Tác giả: Trần Thu Thủy