Tôm có nhiều loại như tôm hùm, tôm sú, tôm he... Các loài tôm này thường sống ở vùng nước ngọt hoặc nước mặn, từ sông suối đến biển cả. Tuy nhiên, tại Lạng Sơn, có một loài tôm đặc biệt và hiếm gặp: tôm rừng.
Loài tôm rừng này sống trong rừng rậm, hang đá hoặc bám trên thân cây. Dù được gọi là tôm, nhưng thực chất chúng thuộc dòng côn trùng do hình dáng tương tự tôm. Tôm rừng có kích thước nhỏ, con lớn nhất cũng chỉ bằng ngón tay út của người lớn, với đôi chân giống cào cào và toàn thân màu xám trong.
Chị Khánh Hà, một cư dân của huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, chia sẻ: "Ngày xưa, tôm rừng là một món ăn dân dã, mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng, thường xuất hiện trong bữa cơm của người Tày và Nùng ở nhiều vùng miền núi. Khi ấy, rất ít người biết đến chúng, thậm chí tên gọi cũng ít ai nghe qua.
Gần đây, tôm rừng bỗng trở thành đặc sản nổi tiếng mà du khách đến quê mình đều muốn thưởng thức."
Theo chị Hà, vào tháng 6 Âm lịch, người dân trong vùng lại đi sâu vào rừng để bắt tôm rừng. Chúng rất khôn, biết có người đến gần là chạy trốn và bật nhảy tán loạn. Vì thế, người dân phải dùng chiếc vợt dài để bắt vài chục con. Nếu chúng chui vào các hốc cây và không bò ra ngoài, họ phải dùng cây sào luồn vào trong để lùa ra.
"Ban đêm, loại côn trùng này bay ra tứ phía để kiếm ăn; ban ngày, chúng ở trong tổ. Vào mùa, khi người dân đi làm nương, rẫy, gặp tổ nào thì bắt tổ đó. Tổ lớn có thể nặng hơn 3kg, tổ nhỏ khoảng hơn 1kg," chị Hà nói.
Giá tôm rừng hiện nay khá cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. "Hiện tại, tôm rừng không còn nhiều như trước vì lượng người đi đánh bắt, khai thác ngày càng đông. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày mỗi người cũng chỉ bắt được khoảng 2 kg tôm," chị Khánh Hà chia sẻ.
Theo khảo sát, vào đầu mùa, tôm rừng có giá khá đắt, có thể lên tới 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giữa mùa giá giảm xuống còn khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg. Chị Hà cho biết tôm rừng có thể chế biến thành món nhậu hấp dẫn bằng cách rang với lá gừng, lá chanh, lá lốt hoặc lá mắc mật.