Cha mẹ thuộc 4 kiểu này con cái lớn lên dễ tự ti, khó thành công

( PHUNUTODAY ) - Sự tự tin rất quan trọng với mỗi người. Những đứa trẻ trưởng thành thiếu tự tin thường có cha mẹ thuộc 4 kiểu này.

Không bao giờ công nhận công sức của con

Trẻ nhỏ thường có một mong ước sâu sắc là nhận được sự thừa nhận từ phía cha mẹ. Nhưng không ít cha mẹ lại e ngại rằng việc khen ngợi có thể khiến con cái phát triển thái độ kiêu ngạo, dẫn đến việc họ không nhận ra hoặc thậm chí phủ nhận những nỗ lực của con mình.

Với tâm hồn non nớt, trẻ chỉ cần sự công nhận từ cha mẹ là cảm thấy vui sướng và có động lực bước tiếp dù cho thế giới bên ngoài có thể không nhìn nhận họ.

Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn nhận được điều này. Một số trẻ thường xuyên bị cha mẹ bỏ qua, gây ra nỗi buồn sâu sắc và thiếu vắng cảm giác an toàn, luôn cảm thấy tự ti. Chúng có xu hướng tự đánh giá thấp bản thân, cảm nhận rằng mình không đủ giỏi, thậm chí không được người thân yêu nhất là cha mẹ đánh giá cao.

Theo chuyên gia tâm lý Alfred Adler, một đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ của mình để chữa lành những tổn thương trong cuộc sống. Còn đứa trẻ không hạnh phúc sẽ phải dùng cả cuộc đời để hàn gắn nỗi đau từ thời thơ ấu.

Một đứa trẻ có một tuổi thơ hạnh phúc và đầy màu sắc khi trưởng thành thường ấm áp và tự tin, hướng đến cuộc sống với thái độ lạc quan và vui vẻ. Còn đứa trẻ không nhận được sự công nhận từ cha mẹ không chỉ ảnh hưởng đến việc chúng làm tốt trong công việc sau này mà còn chắc chắn ảnh hưởng đến cảm xúc hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống.

Bỏ bê tình cảm

Cha mẹ là tấm gương phản chiếu giúp trẻ hình thành nhận thức về bản thân. Nhất là trong những năm đầu đời, từ 0-6 tuổi, sự tương tác và sự chăm sóc đầy yêu thương từ phía cha mẹ là điều cần thiết để trẻ cảm nhận giá trị cá nhân và sự quan trọng của mình.

Trẻ được cha mẹ quan tâm, yêu thương và hiểu rõ sẽ phát triển cảm giác tự trọng và nhận thức rằng chúng xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.

Thêm nữa, nếu trẻ thường xuyên bị cha mẹ không để ý, thờ ơ hoặc cản trở việc biểu đạt cảm xúc có thể gây ra cảm giác bị từ chối, bất an và nghi ngờ về giá trị cá nhân của mình.

Chẳng hạn, khi trẻ cố gắng chia sẻ điều gì đó với mẹ mà mẹ lại đang bận rộn và không chú ý đến lời nói của trẻ hoặc khi trẻ khóc mà cha mẹ phản ứng một cách tức giận nói rằng “Khóc làm gì cho mệt, nếu còn khóc mẹ sẽ để con ra ngoài” có thể gây tổn hại lớn đến lòng tự trọng của trẻ.

Tình trạng này nếu liên tục tiếp diễn, cảm nhận về bản thân và giá trị tự thân của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi lẽ trẻ không cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng mà chúng cần và xứng đáng nhận từ cha mẹ mình.

Kiểm soát cuộc sống của con

Cha mẹ quản lý quá mức và giám sát từng hành động của trẻ có thể hạn chế khả năng tự lập và sự tự tin của con trẻ. Nhất là khi không có sự hiện diện của cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có thể tự mình khám phá và học hỏi. Thay vì luôn giữ vai trò kiểm soát, cha mẹ nên đóng vai trò là người hỗ trợ, định hướng cho trẻ trong việc thực hiện các hoạt động và phát triển các kỹ năng mới.

Đặt kỳ vọng, yêu cầu quá cao ở trẻ

Nếu người mẹ thường xuyên không cảm thấy hài lòng với con cái, liên tục chỉ trích con vì đống hỗn độn trong phòng, kết quả học của con, cho đến dự định vào đại học của con… thì đó là biểu hiện của cha mẹ luôn đặt ra những yêu cầu quá khắt khe với con cái. Họ mong muốn con mình phải luôn ngoan ngoãn, xuất sắc nên không ngừng đẩy con phải sửa chữa những sai lầm và khắc phục điểm yếu để trở nên tốt hơn.

Điều này có thể xuất phát từ tình thương nhưng có những cha mẹ quá sa đà vào mong muốn con cái phải hoàn hảo dẫn đến việc họ không thực sự nhận ra và đánh giá khách quan năng lực của trẻ. Vô tình họ đặt ra những điều kiện cho tình yêu thương dành cho con mình.

Tác giả: Trần Thu Thủy