Một năm sau đám cưới, anh Thành và chị Quyên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Dù chuyện không lớn nhưng nhiều lần khi to tiếng, người vợ lại nhiếc móc xúc phạm, còn anh Thành sẵn sàng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” đáp trả. Cuối năm 2013 khi con trai đầu lòng chào đời, cách ứng xử của hai vợ chồng có học thức vẫn không được cải thiện.
Thấy chồng thường xuyên nói bận việc để không về nhà trong đêm hay có khi đi vắng nhiều ngày, từ góp ý nhẹ nhàng cho rằng đó là sự vô trách nhiệm với gia đình, thờ ơ với vợ, chị Quyên chuyển sang mắng trực tiếp, nhiều khi còn "xả" tiếp bằng tin nhắn...
“Con mới hai tháng tuổi, sức khỏe lại yếu mà anh ta cứ lấy lý do đi suốt. Tôi nói nhẹ anh ấy phớt lờ, nói nặng là bỏ đi qua đêm mấy ngày liền…”, chị trình bày.
Trong một lần cãi vã, anh Thành vặn tay, xô đẩy khiến Quyên bị gãy tay, rồi đuổi chị ra khỏi nhà. Sau một năm ly thân, họ chia tay. TAND quận Hà Đông công nhận việc thuận tình ly hôn, chị Quyên được quyền nuôi con trai.
Trong phiên phúc thẩm mở ngày 22/11, kháng cáo đòi quyền nuôi con, anh Thành cho rằng mình có tư cách nuôi dạy con hơn vợ. Thứ nhất, chị Quyên bỏ nhà đi từ lúc con trai mới gần 10 tháng tuổi. “Thời điểm con cần mẹ nhất thì không có. Gần hai năm nay, dù biết con nhiều lần phải vào viện nhưng cô ta không quan tâm. Ngay ở phiên tòa sơ thẩm tôi đã phải xin hoãn để về đưa con đi cấp cứu mà cô ấy cũng không hỏi thăm câu nào”, anh Thành trình bày.
Thứ hai, anh bảo không thể tha thứ việc vợ đã nhắn tin xúc phạm mình bằng những lời lẽ “không thể miêu tả được bằng miệng”, vì thế phải in ra giấy để gửi tòa.
“Trong lúc khó khăn nhất tôi vẫn đảm bảo việc nuôi con. Cháu ngoan, giỏi và giờ tôi vẫn đảm bảo được điều đó”, anh nói.
Chị Quyên nhận có xúc phạm chồng nhưng cho rằng do bị xúc phạm trước. “Tôi đã xin lỗi trước mặt bên nội ngoại nhiều lần, nhưng anh ta vẫn đánh, đấm khiến tôi sưng mặt, gãy tay. Anh ta thật vô tình, vô nghĩa”, chị trình bày và cho hay bỏ nhà đi khi con mới 8-9 tháng tuổi vì chồng quá vũ phu.
Trả lời việc đánh gãy tay vợ, anh Thành nói đó không phải là bạo lực gia đình mà vì bị xúc phạm quá đáng nên nóng tính. Nữ chủ tọa nhận định đây là sự "bao biện" bởi anh là công chức, có học thì đương nhiên phải biết không được cư xử như vậy.
Tòa cho hay trong nhiều lần gặp cả hai vợ chồng trước phiên xử, cán bộ tòa án đều giải thích pháp luật quy định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi luôn thuộc về mẹ, trừ hai bên tự thỏa thuận khác, tuy nhiên anh Thành vẫn giữ nguyên quan điểm kháng cáo.
“Chúng tôi không cổ xúy cho việc chị Quyên là giáo viên song có những lời lẽ cay nghiệt xúc phạm chồng, nhưng việc truất quyền nuôi con phải căn cứ quy định pháp luật. Anh không tin thì về mua quyển luật Hôn nhân gia đình về đọc”, nữ thẩm phán nói.
Khi phiên tòa đang làm việc, chừng 6-7 người nhà của anh Thành và chị Quyên kéo vào phòng xử với thái độ hằn học. Bị chủ tọa mời ra, ở ngoài hành lang, những người này đã to tiếng với nhau khiến ở phía trong một thành viên HĐXX nhắc nhở: "Chuyện vợ chồng nên tự quyết, đừng lôi gia đình hai bên vào chỉ thêm rối".
Phiên phúc thẩm hôm đó tuyên bác kháng cáo của anh Thành, tiếp tục giao con cho chị Quyên nuôi dưỡng. Quay sang phía người phụ nữ, chủ tọa nói: “Đây là quy định của pháp luật chứ không phải chúng tôi giao con để cổ xúy những sai lầm của chị. Chị nên thay đổi cách cư xử và sống cho đúng chuẩn mực người giáo viên”.
Nhìn ra cửa nơi nhiều người của hai bên gia đình đang lời qua tiếng lại, bà thở dài: “Ở giữa tòa mà còn lôi cả đám đông đến cãi vã thế này thì không biết ở nhà còn chửi nhau, đánh nhau ra sao. Toàn người hiểu biết sao lại như vậy?”.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Tác giả: Nguyễn Tài Tiến
-
Sốc: Chú rể 24 tuổi làm đám cưới với mẹ ruột 42 tuổi của bạn thân
-
Bé trai kháu khỉnh đột ngột mất tích?
-
Tỏ tình với cấp trên bị từ chối, cô gái 18 tuổi gọi điện lần cuối rồi nhảy sông t.ự t.ử
-
Tin phụ nữ 29/11: Lén bỏ ma túy vào cốp xe của chồng rồi báo Công an bắt
-
Điểm tin 30/11: Cặp đôi nói cha mẹ cấm đám cưới: Trần tình của người bố về sự việc