Hiện nay, một số người gặp tình trạng da nổi mụn kích ứng sau khi tiêm vắc xin và cho rằng đó là tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết hiện tại chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối quan hệ giữa việc tiêm vắc xin với tình trạng mụn trên da.
Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Đỗ Kim Anh, Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết cơ chế của vắc xin không ảnh hưởng gì đến nội tiết tố, cũng không gây ra sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể dẫn đến hình thành mụn trứng cá cả.
Việc nổi mụn sau khi tiêm vắc xin có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc trước đó người bệnh từng có mụn, stress, da dầu, thay đổi thời tiết... nên mới bị mụn.
BS Kim Anh cho biết, biểu hiện da thường gặp nhất sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là các phản ứng tại chỗ như sưng, đau, đỏ ngay vị trí tiêm hay phản ứng muộn sau đó còn gọi là "cánh tay Covid"; các phát ban dạng sởi, mày đay, vảy phấn hồng... Đa số các biểu hiện này có thể tự khỏi hoặc được cải thiện nhanh khi dùng thuốc điều trị.
Bác sĩ Trần Thị Thúy Phượng, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết hiện nay chưa có bằng chứng được báo cáo thông qua các thử nghiệp lâm sàng lớn cho thấy tiêm vắc xin Covid-19 gây ra sự thay đổi nồng độ các hormone dẫn đến hình thành mụn trứng cá.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Y tế Tel Aviv ở Israel, một tác dụng phụ hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin Covid-19 trên da là zona. Một số trường hợ có bệnh tự miễn sẽ cá khả năng mắc bệnh zona cao hơn. Các nốt zona trên da xuất hiện trên sau khi tiêm mũi vắc xin thứ nhất nhiều gấp 5 lần so với sau khi tiêm mũi thứ 2.
Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng ghi nhận hai trường hợp mắc zona sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Châu Âu cũng ghi nhận các trường hợp bị zona sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Cơ sở dữ liệu EudraVigilance của châu Âu báo cáo khoảng 590 trường hợp bị zona sau tiêm vắc xin AstraZeneca (chiếm 0,7%). Con số này với vắc xin của Johnson & Johnson là 2.143 trường hợp (chiếm 0,6%).
Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng này xảy ra là do sự giảm bạch cầu tạm thời sau tiêm, tương tự phản ứng khi cơ thể nhiễm virus SARS-CoV-2.
Liên quan đến mụn trứng cá, cơ chế của nó liên quan tđến nhiều yếu tố. Trong đó, 4 cơ chế chính có thể kể đến là tăng sản thượng bì vùng nang lông, tăng tiết bã nhờn, viêm hoặc do vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes).
Bác sĩ Phượng cho biết, một số trường hợp có thể bùng phát mụn do stress, gián tiếp làm tình trạng mụn tệ hơn thông qua cơ chế tiết bà nhờn và tăng hiện tượng viêm kèm theo việc phải đeo khẩu trang thường xuyên gây ra bít tắc nang lông và dẫn đến mụn. Ngoài ra, tâm lý lo lắng khi tiêm và sau khi tiêm vắc xin cũng góp phần gây ra vấn đề này.
Để hạn chế tình trạng nổi mụn, bác sĩ khuyên chúng ta nên giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng đồng thời có phương pháp chăm sóc da đúng cách như rửa mặt nhẹ nhàng, không sử dụng các sản phẩm dưỡng quá đặc, hạn chế trang điểm dày khi sử dụng khẩu trang, tẩy trang đúng cách...
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý: Uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày); tránh nước ngọt; hạn chế ăn đồ ngọt, đồ nhiều chất béo, mỡ như bánh kẹo, kem, đồ ăn nhanh, đồ chiên xào...
Ở thời điểm hiện tại, tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ chính mình mà còn giúp bảo vệ người thân và cộng đồng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên trì hoãn tiêm khi đủ điều kiện.
BS Phượng chia sẻ thêm, nếu bạn gặp tình trạng nổi mụn sau tiêm, hãy đến gặp bác sĩ da liễu kết hợp với chăm sóc da đúng cách để cải thiện và ngăn ngừa mụn tái phát.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Người Việt hay ăn mì chính: Chuyên gia chỉ cách dùng không sinh độc, an toàn cho sức khỏe cả gia đình
-
Đi chợ thấy 5 loại này thì phải mua ngay vì 100% đánh bắt tự nhiên, vừa sạch vừa bổ dưỡng
-
4 thói quen tưởng vô hại nhưng tàn phá xương khớp khủng khiếp: Cái thứ 2 chị em nào cũng mắc phải
-
Dù gầy nhưng vẫn béo bụng dưới, mách chị em 4 ly nước "bóp bụng" hiệu quả: Càng uống càng gọn
-
6 dấu hiệu xuất hiện sau bữa ăn là tín hiệu bệnh tật đang hoành hành, có 1 điểm cũng cần đi khám ngay