Đừng vội quẳng bánh chưng vào tủ lạnh: Làm theo cách này bánh để 10 ngày vẫn dẻo, không mốc

( PHUNUTODAY ) - Bánh chưng, bánh tét rất dễ bị ôi thiu, lên mốc nếu không bảo quản đúng cách. Muốn bánh không bị cứng và mốc meo, hãy làm theo cách đơn giản này.

Mẹo bảo quản bánh chưng được lâu

- Bảo quản bằng giấy báo: Có thể bảo quản bánh chưng ở nơi khô ráo, thoáng mát khi thời tiết lạnh trong suốt nhiều ngày Tết. Xếp bánh trên bàn, dùng một lớp giấy báo bọc bên ngoài từng chiếc bánh giúp bánh để được lâu và không bị mốc.

Nếu không, đơn giản chỉ cần treo bánh lên cao ở nơi không ẩm ướt để bảo quản. Với nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C và việc bảo quản đúng cách, bánh chưng hoàn toàn có thể để được 7 ngày, đủ cho ăn một cái Tết sung túc và đầm ấm.

- Hút chân không: Việc hút chân không sẽ hạn chế oxy, ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, kéo dài được thời hạn sử dụng. Nên người ta dùng phương pháp này để bảo quản bánh chưng được lâu giữ được màu lá tự nhiên, hương vị đặc trưng ban đầu và vỏ bánh sạch sẽ hạn chế được ruồi, kiến,… đến gần.

Bạn có thể bảo quản bánh chưng ngày Tết trong ngăn mát tủ lạnh vào khoảng 5 – 10 độ C. Nếu không thể ăn hết một cái bánh, bạn chỉ nên bóc vỏ phần bánh có thể ăn, phần còn lại bọc kĩ bằng màng bọc thực phẩm.

Lưu ý: Tránh bóc hết bánh mà không ăn hết, để bánh trần như thế sẽ nhanh cứng lại và bị ám mùi các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Bánh chưng lấy ra từ tủ lạnh nên hấp lại trước khi ăn để bánh nóng, mềm và ngon hơn.

Với bánh tét bạn có thể treo nơi thoáng mát và bảo quản 2 – 3 ngày, để bảo quản lâu hơn bạn nên cho bánh vào tủ lạnh, khi dùng thì đem hấp lại hoặc chiên ăn rất ngon.

Ngoài ra nếu muốn bảo quản lâu hơn bạn có thể đặt bánh lên ngăn đá, tuy nhiên bạn cần rã đông bánh ở nhiệt độ thường và luộc lại bánh khi dùng. Nếu bảo quản ở ngăn đá bạn có thể để bánh được khoảng 15 ngày.

Nhận biết bánh chưng đã hỏng

Khi bánh có các dấu hiệu như chảy nước, có mùi ôi, xuất hiện nhớt ở vỏ bánh… thì không nên luộc lại nữa mà phải bỏ đi do lúc này vi khuẩn đã xâm nhập, làm hỏng bánh. Ăn vào rất dễ ngộ độc.

Ngoài ra, khi bánh bị mốc thì nên bỏ đi, không nên gọt bỏ phần ngoài của bánh rồi rán lên ăn. Ăn bánh như vậy rất dễ bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc. Tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm.

Nấm mốc xuất hiện ở một góc bánh, nhưng một số chủng nấm mốc có khả năng lên men làm bánh bị chua. Khi bánh bị mốc, nên bỏ cả bánh, bởi khi đó vi khuẩn đã xâm nhập sâu bên trong, nếu ăn sẽ dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.

Để bánh không bị mốc, tốt nhất bạn nên gói lượng bánh vừa đủ để ăn trong những ngày Tết. Bảo quản bánh bằng cách để nguyên lá gói và cho vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt lấy giấy nilon bao kín lại.

Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng), nên luộc, chiên hoặc hấp lại và tiếp tục dùng. Bánh chưng để vào ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản 7-10 ngày.

Sử dụng lò vi sóng hoặc hấp lại trước khi ăn thay vì rán bánh. Nhiều gia đình thường xử lý bánh bị cứng bằng cách rán lại với dầu mỡ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên, mỗi lần ăn, gia đình nên làm nóng bánh chưng bằng lò vi sóng hoặc hấp lại. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu hoặc mỡ) vào khẩu phần ăn trong dịp Tết - không có lợi cho sức khỏe nhất là đối với người bị bệnh béo phì hoặc bị bệnh tim mạch.

Tác giả: Mộc