F0 khỏi bệnh vẫn ho kéo dài, đau sườn, có sao không? BS Trương Hữu Khanh trả lời

( PHUNUTODAY ) - Một số F0 băn khoăn không biết ho, đau sườn xuất hiện sau khi được chữa khỏi. Liệu đây có phải là triệu chứng kéo dài của Covid-19 không?

Một F0 bị bệnh 13 ngày, nay đã có kết quả test nhanh âm tính có thắc mắc mỗi lần tập thể dục hơi nặng là ho trở lại, đau một bên sườn. Liệu đó có phải là triệu chứng Covid-19 kéo dài hay không? Chia sẻ về vấn đề này trên Người lao động, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, đau cơ liên sườn do ho nhiều là bình thường. Ho vì các bệnh khác cũng gặp hiện tượng tương tự. Dần dần tình trạng này sẽ hết khi bạn hết bị ho. Nếu bạn vẫn bị ho nhiều thì có thể tiếp tục sử dụng các loại thuốc ho thảo dược an toàn, mua ngoài hiệu thuốc hoặc tự làm tại nhà.

Các F0 sau khi khỏi bệnh tập luyện để hồi phục sức khỏe là tốt. Tuy nhiên, cần phải làm từ từ, gắng sức sẽ bị ho, khó chịu. Do đó, BS đưa ra lời khuyên là giảm cường độ tập luyện, để cơ thể khỏe dần thì mới tập nặng lại như trước. Ngoài ra, cần chú ý tẩm bổ, ngủ đủ để cơ thể hồi phục.

Ảnh minh họa

Bài tập thở cho F0 tại nhà

Đây là bài tập thích hợp cho các F0 điều trị tại nhà theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế:

Bài tập này giúp cải thiện tình trạng khó thở.

- Thở chúm môi: Hít sâu, từ từ bằng mũi sau đó chúm môi từ từ thở ra cho tới hết khả năng.

- Thở bằng cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, bụng phình lên; thở ra chúm môi, hóp bụng lại.

- Thở bụng: Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng để cảm nhận di động của ngực và bụng. Hít vào bằng mũi, bùng bình ra. Thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại giống như thổi sáo, bụng xẹp xuống.

Lưu ý, khi hít vào và thở ra không gắng sức quá mức. Kết hợp động tác thở chúm môi với thở bụng hoặc thở cơ hoành vào trong một lần hít thở. Nên tập luyện thường xuyên, ít nhất 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút. Có thể thực hiện cả lúc ngồi và lúc nằm (khi nằm để gối dưới dầu và dưới khoeo để chân hơi co lại).

Nếu F0 có nhiều đờm dịch thì nên tập kỹ thuật thở chu kỳ chủ động và kỹ thuật ho.

Về kỹ thuật ho, hãy thực hiện theo 3 bước sau:

- Thở chúm môi trong khoảng 5-10 phút giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản lớn hơn.

- Tròn miệng hà hơi 5-10 lần, tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm ra khí quản.

- Cuối cùng là ho: hít hơi thật sau, nín thở và ho liên tiếp từ 1-2 lần. Lần đầu ho nhẹ, lần sau ho mạnh hơn để đẩy đờm ra ngoài.

Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động:

- Đầu tiên, thở có kiểm soát bằng cách hít thở nhẹ nhàng trong khoảng 20-30 giây.

- Sau đó, giãn lồng ngực bằng cách hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2-3 giây và thở ra nhẹ nhàng; lặp lại 3-5 lần.

- Cuối cùng là hà hơi (hít thật sâu, nín thở 2-3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài), lặp lại 1-2 lần.

Tác giả: Thanh Huyền