F0 xuất viện, cách ly bao nhiêu ngày ở nhà thì đủ an toàn? Bác sĩ trả lời

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều F0 có chung câu hỏi, họ đã được xuất viện, vậy nên cách ly bao nhiêu ngày ở nhà thì mới an toàn.

Nhiều F0 trải qua quá trình cách ly, điều trị tại bệnh viện, xác định khỏi bệnh và được về nhà. Tuy nhiên họ băn khoăn không biết, khi về gia đình, họ cần cách ly bao nhiêu ngày nữa để đủ an toàn.

Liên quan tới vấn đề này, Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) trả lời:

Khi bệnh viện xét nghiệm và cho bạn xuất viện thì bạn đã âm tính hoặc còn dương tính nhưng chỉ số CT>=30, tức ở mức rất khó lây (CT>33 thì không lây được nữa). Bạn đã hoàn thành thời gian tự cách ly tại nhà và đã xét nghiệm lại rồi thì không có gì phải lăn tăn nữa, vì F0 đã khỏi bệnh như bạn thì còn an toàn hơn người đã chích ngừa đủ 2 mũi, chắc chắn bạn không còn khả năng lây bệnh cho người nhà.

Bạn có thể hoàn toàn yên tâm cho gia đình mình khi đã được bệnh viện kiểm tra rồi cho ra viện. Điều quan trọng bây giờ là nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để nhanh hồi phục.

Lưu ý về dinh dưỡng cho người mới khỏi bệnh

Người sau điều trị COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy cần ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì nó khó tiêu;

Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa 2 cốc/ngày, vì sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với người mới khỏi bệnh. Đặc biệt với sữa năng lượng cao, làm cơ thể người bệnh mau chóng phục hồi.

Tăng cường rau quả

Các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa có tác dụng tốt với người sau điều trị bệnh là vitamin A, C , D, E và chất khoáng như sắt, kẽm,…có vai trò trong chống viêm, chống nhiễm trùng. Rau quả là nguồn cung cấp các vitamin - khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh.

Ăn các loại rau màu xanh sẫm và hoa quả màu đỏ hoặc vàng có chứa nhiều vitamin A, C, E. Ngoài ra, rau quả còn góp giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là từ 400 - 600 g/người/ngày.

Tăng cường bổ sung nước

Người mắc bệnh COVID-19, thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết. Việc lựa chọn nước uống để bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, chất xơ, các chất chống o xy hóa, các loại nước được chế biến rất đơn giản từ rau xanh, hoa quả và rất nhiều các loại khác tùy theo sở thích của mỗi người. Các loại nước sinh tố hoa quả, ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước soài, rau má,… để cung cấp lượng vitamin C, A là cần thiết cho cơ thể.

Thực phẩm cần hạn chế

Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, súc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối chua… Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.

Tác giả: Thạch Thảo