Gà cúng trên bàn thờ quay ra hay quay vào mới đúng: Đơn giản nhưng nhiều nhà làm sai

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người không thực sự biết cách bài trí gà cúng trên bàn thờ đúng cách, hãy cùng tìm hiểu.

Gà là lễ vật quan trọng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi khi có giỗ chạp, mùng 1 ngày rằm hay lễ tết... đặc biệt mâm cỗ giao thừa. Vậy khi đặt gà cúng để quay đầu vào hay quay ra?

Tại sao lại chọn gà trống choai để cúng?

Trong văn hóa nông nghiệp, mặt trời là một yếu tố vô cùng quan trọng. Đó là biểu hiện cho một ngày mới bắt đầu, ánh sáng chan hòa, mưa nắng thuận hòa giúp cho cây cối phát triển, mùa màng bội thu.

Gà trống thường cất tiếng gáy bắt đầu ngày mới, khi những tia nắng mai vừa ló rạng. Trên đầu gà trống có mào lớn, đỏ tươi, được coi như biểu tượng của mặt trời rực rỡ.

Điều này khiến gà trống được coi trọng, trở thành con vật linh thiêng, tinh khiết, quý hơn hẳn những loài động vật khác và luôn được chọn để thực hiện các nghi lễ hiến tế hoặc nghi thức tôn giáo nào đó.

Với người Việt, gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật được chọn để dâng cúng thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ Tết. Con gà như biểu tượng văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông, dần thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi Tết đến, xuân về.

Đặt gà thế nào trên bàn thờ?

Theo ông Hà Thanh (Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông – Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), mọi người quan niệm có được con gà cúng như ý sẽ yên tâm đón một năm mới tốt đẹp. "Với mâm cúng giao thừa nên đặt đầu gà quay ra đường để đón ngài Tân niên hành khiển đi qua (theo quan niệm dân gian thì mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom việc hạ giới. Cúng Giao thừa là tiễn đưa quan quân cai quản năm cũ và đón quan quân cai quản năm mới). Riêng gà đặt cúng trên ban thờ, quan niệm chung thường là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên.

Tư thế này được coi là "con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu". Không đặt gà quay đầu ra, vì cho đó là gà "không chịu chầu". Bày gà cúng nếu đặt đầu quay ra phía ngoài sẽ đẹp mắt hơn. Còn quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không đẹp mắt. Nhưng đó chỉ là hình thức đẹp, chứ không có ý nghĩa gì", ông Hà Thanh cho biết.

Cũng theo ông Hà Thanh, khi cúng lễ thì nên để nguyên cả con gà trống vừa đẹp mắt, vừa nghiêm cẩn. Với gà mái, có thể chặt miếng, nhưng khi bày đĩa không được đẹp mắt và giảm bớt phần nghiêm cẩn. Nếu chặt miếng, phải để gà nguội thịt mới chặt để miếng thịt gà gọn mắt.

Không nên chặt khi thịt gà còn nóng vì vừa bị bắn bẩn xung quanh, thịt gà lại bị nát nhũn, méo mó. Không nên dùng thịt gà quay, rán, ninh, om vì cả hình thức và màu sắc đều không đẹp, mất cân đối và không nghiêm cẩn.

Hướng dẫn luộc gà cúng buộc cánh tiên

Bước 1: Sơ chế gà

- Gà mua về lấy muối và chanh chà xát lên trên bề mặt da gà. Thao tác này giúp khử sạch mùi hôi của gà một cách hiệu quả. Lưu ý, bạn có thể dùng nước gừng để thay thế, tuy nhiên loại củ này có thể ảnh hưởng tới mùi vị của nước luộc gà, khó sử dụng được cho nhiều món ăn.

 Dùng tay bóp nhẹ ở đầu gà để lấy hết phần dịch mũi, dịch lưỡi và cuống họng.

- Rửa lại gà với nước sạch. Một mẹo nhỏ mà ít người biết, là khi rửa bạn nên dựng con gà lên như thế dễ lấy đi các cặn bẩn còn sót lại trên mình gà.

- Gà cúng cần có đầy đủ bộ lễ: Tiết, mề, lòng gan… nên bạn cũng làm sạch chúng. Tiết rửa dưới vòi nước cho sạch rồi để ráo. Lòng mề bóp muối sau đó rửa lại cùng nước.

Bước 2: Buộc gà cúng cánh tiên

- Lạt giang ngâm trong nước cho mềm để khi buộc gà dễ hơn.

- Đặt gà nằm thẳng lên, dùng tay dựng cổ gà rồi kẹp 2 cánh để cố định.

- Lấy lạt đã ngâm buộc dưới cánh sao cho cố định được cánh và cổ gà. Lưu ý, không buộc lạt vào mào gà, như thế phần gà cúng trông sẽ không được đẹp.

Bước 3: Luộc gà

- Không phải nồi nào cũng luộc được gà. Bạn nên chọn nồi sâu lòng, to vừa đủ để khi luộc dễ lật gà nhất.

- Thêm nước lạnh vào ⅔ nồi, đặt gà đã buộc cánh tiên vào nồi rồi đặt lên bếp đun với lửa lớn. Chú ý, gà cúng muốn đẹp không bị “chín ngoài, sống trong” thì bạn nên đặt gà nằm úp.

- Thêm ½ thìa bột canh hoặc vài hạt muối vào trong nồi nước luộc để thịt gà khi chín đậm đà hơn.

- Khi thấy nước trong nồi đã nóng già, bạn thả tiết, lòng, mề… vào luộc chung.

- Nồi gà luộc sôi, bạn vặn nhỏ lửa sao cho nồi gà chỉ sôi lăn tăn rồi hớt bọt.

- Để gà khoảng 5 phút tính từ thời điểm sôi thì tắt bếp. Muốn gà chín hoàn toàn, bạn cần ngâm gà thêm khoảng 15 - 20 phút.

Bước 4: Vớt gà

- Vớt gà cùng bộ lòng mề ra bát nước lạnh để da gà giòn ngon, màu vàng đẹp và thịt săn chắc.

Bước 5: Trang trí

- Dùng lòng gà cuộn quanh lòng mề để tạo thành một bó tròn gọn gàng.

- Đặt lòng mề vào bên trong con gà hoặc để ở bên cạnh cũng được.

- Xếp gà ra đĩa, cài vào miệng gà 1 bông hoa hồng đỏ là bạn đã có một đĩa gà luộc đẹp mắt dâng cúng ngày giao thừa, mùng Một, lễ hóa vàng… trong dịp Tết Nguyên đán này rồi.

Tác giả: Thạch Thảo