Hễ ốm sốt là đi “truyền nước": Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm, "đừng để ch.ết vì thiếu hiểu biết"

( PHUNUTODAY ) - Trên thực tế không ít người truyền dịch tại nhà như một “cứu cánh” mỗi khi ốm, sốt hoặc cơ thể mệt mỏi mà không biết được nguy hiểm tiềm ẩn.

Bệnh nhân “chỉ định” để được truyền dịch mỗi khi ốm, sốt, mệt

Đã có nhiều bài học đắt giá cho việc người dân thường có thói quen, cứ “ốm, sốt” là tự ý truyền dịch, thậm chí có người còn “yêu cầu” nhân viên y tế cho truyền dịch để nhanh khỏe.

Một bác sĩ công tác tại trạm y tế thuộc Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, ông rất hay được bệnh nhân mỗi khi ốm, sốt đến trạm y tế, thậm chí đến nhà xin được “truyền nước, truyền hoa quả, truyền đạm” để nhanh khỏe. Ông đã giải thích, tuy nhiên do những lần trước đó những bệnh nhân này khi ốm sốt hoặc thậm chí hơi mệt mỏi được truyền dịch thấy khỏi nhanh lại đỡ mệt nên nhiều người đã bỏ ngoài tai.

Trước đây, bác sĩ BV Việt Nam Thụy Điển, Uông Bí đã phải cấp cứu cho một người phụ nữ 56 tuổi vì bị sốc phản vệ độ III, tiên lượng rất nặng do tự ý ra hiệu thuốc mua nước hoa quả để truyền dịch tại nhà. Theo như lời kể của bệnh nhân này, trước đây mỗi khi mệt mỏi bà thường ra mua nước hoa quả hoặc gọi nôm na là “chai đạm” và về nhờ cháu có biết chuyên môn về cắm dịch truyền làm giúp. Lần này cũng vậy, nhưng sau cắm kim được khoảng 10 phút, bà thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run. Gia đình vội vàng đưa đến viện. Các bác sĩ cho biết rất may người phụ nữ này đến việc kịp nên đã được các bác sĩ cấp cứu và xử trí kịp thời nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Không ít trường hợp, bố mẹ bé tự ý ra phòng khám tư yêu cầu truyền dịch, sau 2-3 ngày không thấy con hết sốt mới vội đưa trẻ đến bệnh viện. Khi đó bác sĩ mới phát hiện con mắc các bệnh khác như viêm não, viêm màng não, viêm phổi... Bệnh nhi mắc viêm não, viêm màng não, cơ chế chọn dịch truyền là khác hẳn. Nếu truyền dịch muối, đường rất nguy hiểm vì làm tăng phù não.

Còn viêm phổi thường không được truyền dịch, vì dịch truyền sẽ làm tăng gánh nặng cho phổi, tim. Bệnh nhân viêm phổi bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống hơn là truyền, trừ một số trường hợp bác sĩ đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, mới chỉ định truyền cho bệnh nhi viêm phổi, chứ không thể truyền dịch bừa bãi.

"Cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm"

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm. Sốt, mệt chỉ là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh khác nhau. Việc tiêm, truyền cho bệnh nhân phải có chỉ định của bác sĩ. Tức là bác sĩ sẽ phải xác định được biểu hiện mệt, sốt là do bệnh gì, bệnh ấy có cần phải truyền dịch không?. Trong trường hợp bắt buộc phải truyền, thì bác sĩ sẽ phải tính toán kỹ lượng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền như thế nào chứ không thể truyền bừa bãi. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe. Ngay cả khi người bệnh bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống nước bồi phụ tốt hơn là truyền dịch.

Khi nào thì cần truyền dịch?

Để biết được bệnh nhân có cần truyền dịch hay không, truyền bao nhiêu, loại nào thì cần phải khám nghiệm máu và khám tim, phổi, đo mạch... Nếu một trong các chỉ số này thấp hơn chỉ số bình thường cho phép thì bác sĩ mới chỉ định truyền dịch phù hợp để bù đắp. Trong quá trình truyền dịch, bác sĩ phải theo dõi sát bệnh nhân để giám sát diễn biến truyền và mức độ tiến triển bệnh.

Việc truyền dịch cần được thực hiện theo đúng quy trình, vì nếu truyền dịch nhiều hơn thì tình trạng cần thì có thể gây phù phổi, suy tim... Ngoài ra, bổ sung không đúng các chất cần truyền cũng gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. 

TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, người bệnh chỉ nên truyền dịch khi đã sốt quá cao, nôn nhiều gây mất nước, hoặc các bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp... không thể ăn uống được. Người bệnh cũng nên thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết trước khi truyền dịch để tránh tai biến.

Nếu bệnh nhẹ, cơ thể mất nước nhưng vẫn còn ăn uống được thì nên bù nước qua đường uống, hạn chế truyền dịch.

Khi truyền dịch, người bệnh cần lưu ý những điểm sau

Người bệnh không nên tự ý truyền dịch tại nhà mà không có kết quả khám hay xét nghiệm; cần có bác sĩ thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh nhân khi truyền dịch, khi truyền nên cho dịch chảy chậm; Trong trường hợp ăn uống được nên bổ sung các thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa... sẽ an toàn hơn truyền dịch; Khi truyền dịch, nếu có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm... thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để xử lý kịp thời; Chỉ nên truyền dịch tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện và khả năng xử lý tại biến khi truyền...

Tác giả: Vũ Ngọc