Những ai được làm tài khoản định danh điện tử
Theo Quyết định 34/2021 của Thủ tướng, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Cần lưu ý điều gì khi đã có tài khoản định danh điện tử?
Theo Bộ Công an, để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử, công dân cần đặc biệt lưu ý:
- Không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác.
- Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị.
- Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức – thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin.
Trong trường hợp mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân có thể thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong hai cách:
- Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin Định danh điện tử Quốc gia.
- Liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.
Những lợi ích khi cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID
Hiện nay, có rất nhiều tính năng đã được Bộ Công an cung cấp đến người dân thông qua ứng dụng định danh điện tử Quốc gia - VNeID. Cụ thể:
- Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
- Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...
- Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền...). Tất cả quy trình thực hiện giao dịch công dân có thể chủ động kiểm soát hoàn toàn, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
1. Tài khoản định danh điện tử là gì?
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm: Tên đăng nhập (mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
2. Các mức độ của tài khoản định danh điện tử
Hiện nay, theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, tài khoản định danh điện tử bao gồm 2 mức độ như sau:
Mức độ 01:
Là tài khoản được tạo trong trường hợp:
Thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tin của người nước ngoài được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh (trừ ảnh chân dung và vân tay).
Mức độ 02:
Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung, hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Lưu ý: Bên sử dụng dịch vụ sẽ quyết định mức độ của tài khoản định danh điện tử.
3. Điều kiện để đăng ký tài khoản định danh điện tử
Điều 6, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg quy định, điều kiện để công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử như sau:
Cá nhân đủ 14 tuổi trở lên: Đăng ký thông qua ứng dụng định danh điện tử.
Cá nhân chưa đủ 14 tuổi: Đăng ký theo tài khoản định danh của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Người được giám hộ khác: Đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.
Khi đăng ký tài khoản, cá nhân cần khai báo đầy đủ các thông tin như sau:
Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Họ và tên
Ngày tháng năm sinh
Giới tính
Quốc tịch (Đối với người nước ngoài)
Số điện thoại, email
Đối với người chưa đủ 14 tuổi, hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì bổ sung thêm thông tin về số định danh cá nhân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch (người nước ngoài).
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Sang tên Sổ đỏ cho con: Nên tặng cho hay để thừa kế? Người dân biết để tránh thiệt thòi
-
3 việc cần làm ngay trước khi Sổ hộ khẩu bị khai tử vào ngày 1/1/2023
-
4 trường hợp được miễn 100% thuế, phí khi sang tên sổ đỏ năm 2023
-
Tài khoản định danh điện tử sẽ bị khóa trong những trường hợp nào?
-
Năm 2023: Thay đổi điều kiện hưởng 100% chi phí khám bệnh người dân cần nắm rõ