- Gia vị dùng để sơ chế vịt
Sơ chế vịt là khâu vô cùng quan trọng trong khi nấu các món từ vịt. Thịt vịt không được sơ chế kỹ sẽ có mùi hôi khó ăn. Vì vậy, ngay từ đầu, bạn phải sơ chế vịt thật sạch.
Trong bước này, người ta hay sử dụng các loại gia vị cơ bản như muối, chanh, giấm, gừng, rượu nấu ăn để khử mùi hôi của vịt.
Theo kinh nghiệm dân gian, trước khi thịt vịt, người ta sẽ cho vịt uống một ít rượu trắng hoặc nước cốt chanh để khử mùi hôi của vịt từ bên trong.
Sau khi nhổ sạch lông vịt, lấy chanh/giấm và muối hạt để chà xát bên trong, bên ngoài con vịt giúp loại bỏ các cặn bẩn cũng khử mùi hôi của vịt.
Ngoài ra, để khử mùi hôi của vịt hiệu quả hơn, bạn có thể sử dụng rượu và gừng đập dập chà lên khắp mình con vịt rồi rửa sạch.
Một lưu ý quan trọng nữa để khử mùi hôi của vịt chính là nên loại bỏ phần phao câu. Vị trí này tập trung tuyến dịch nhờn, gây ra mùi hôi và cũng chứa nhiều chất không có lợi cho sức khỏe.
- Gia vị dùng để luộc vịt
Trong quá trình luộc vịt, bạn sẽ cần thêm một số loại gia vị để thịt vịt được thơm ngon hơn. Thông thường, khi luộc vịt, mọi người sẽ thêm một chút muối cho thịt vịt đậm đà. Để tạo mùi thơm cho thịt vịt, bạn có thể cho thêm gừng, sả đập dập, hành tím, hành tây (thêm một trong các loại gia vị này hoặc cho tất cả các loại gia vị này đều được). Nướng gừng và hành trước khi cho vào nồi sẽ giúp thịt vịt có mùi thơm hơn.
Ngoài ra, để thịt thơm ngon, có vị ngọt đậm đà hơn, bạn có thể thay một phần nước lọc bằng nước dừa. Dùng 1-2 quả dừa non, lấy phần nước để luộc vịt, chế thêm nước lã cho đủ ngập con vịt. Phần cùi dừa cũng được nạo ra để luộc cùng vịt.
Một bí kíp khác để thịt vịt được thơm ngon chính là sử dụng mướp hương. Khi vịt gần chín, bạn có thể bỏ 1-2 quả mướp hương đã gọt vỏ vào luộc chung với vịt. Mướp hương có mùi thơm hấp dẫn lại có vị ngọt tự nhiên, giúp thịt vịt thêm đậm đà hơn.
- Gia vị dùng để pha nước chấm
Có nhiều cách pha nước chấm vịt luộc khác nhau. Tùy theo sở thích mà bạn có thể chọn loại nước chấm phù hợp.
Nếu không có yêu cầu cầu kỳ, bạn có thể chấm với muối chanh. Đây là loại gia vị chấm sử dụng được cho hầu hết các loại thịt luộc. Có thể thêm tỏi, ớt tùy sở thích.
Thông thường, với món thịt vịt luộc, người ta thường hay chấm với mằm gừng. Bạn sẽ cần chuẩn bị một ít tỏi, gừng, ớt, chanh, đường. Cho nước mắm, đường và nước cốt chanh vào bát. Khuấy đều cho các gia vị hòa tan vào nhau, nêm nếm lại cho vừa khẩu vị. Sau đó, cho thêm tỏi, ớt băm nhỏ, gừng đập dập và băm nhỏ vào bát.
Ngoài ra, cách ăn vịt luộc với xì dầu (nước tương) cũng khá phổ biến. Bạn sẽ cần một ít xì dầu, đường trắng, tỏi và ớt băm nhỏ. Cho xì dầu, đường trắng vào bát. Khuấy đều cho gia vị tan, nếm lại cho vừa khẩu vị. Thêm tỏi, ớt băm. Trong một số công thức pha xì dầu chấm vịt luộc khác, người ta sẽ cho thêm nước cốt chanh và gừng băm. Tùy theo thói quen và sở thích, bạn có thể pha nước chấm cho phù hợp với khẩu vị của mình.
Bên cạnh đó, bạn nên chuẩn bị thêm một số loại rau sống để ăn cùng vịt luộc như rau ngổ, phần đầu trắng của hành lá, rau húng, rau mùi tàu...
Tác giả: Thanh Huyền
-
Luộc trứng bằng nước sôi hay nước lạnh đều được, nhớ thêm thứ này để trứng dễ róc vỏ
-
Luộc lòng lợn cho thêm thứ này, từng miếng lòng trắng giòn, không hôi
-
Ướp thịt bò đừng dùng muối, thêm thứ này trước để thịt mềm mọng, không khô dai
-
Vì sao không được ăn đầu lươn, đuôi ốc?
-
Mẹo luộc ngan, luộc vịt không hôi, thịt mềm ngọt