Loại cây được ví là “nhân sâm của người nghèo”, vừa chữa 'bách bệnh' vừa chặn khí xấu, rước tài lộc

( PHUNUTODAY ) - Cây đinh lăng được ví như “nhân sâm dành cho người nghèo” với công dụng trong điều trị rất nhiều bệnh

Cây cảnh đinh lăng có những tác dụng gì?

Cây đinh lăng cao trung bình từ 1-2,5m, thuộc nhóm cây thân bụi, lá có mép răng cưa không đều. Lá non của cây đinh lăng có thể dùng để ăn sống, ăn kèm với các món gỏi hoặc kho cá, kho thịt đều được.

Trong Đông y, với lá đinh lăng già hơn, bạn có thể dùng để hãm nước uống để bồi bổ cho cơ thể. Thứ nước này có thể phòng và điều trị các bệnh về suy giảm trí nhớ, căng thẳng suy nhược thần kinh hay những người thiểu năng tuần hoàn não, tiền đình với các chứng hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ.

Những người bị đau lưng mỏi gối, đau khớp, thấp khớp nếu kiên trì uống nước từ thân hoặc rễ cây đinh lăng cũng rất tốt, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện. Ngoài ra, nhiều người còn dùng rễ cây đinh lăng để ngâm rượu.

Nếu bị thương ngoài da, bạn có thể giã nát lá đinh lăng rồi đắp lên vết thương để làm dịu, giảm đau.

Một số đơn thuốc có đinh lăng

Bài 1: Chữa mệt mỏi cơ thể

Củ rễ đinh lăng thái mỏng, phơi khô 5 gam cho vào 100ml nước sôi ngâm 15 phút, uống chia 2 hoặc 3 lần trong ngày.

Bài 2: Thông tia sữa, căng tức bầu vú

Rễ cây đinh lăng 30 – 40 gam, thêm 500 ml nước đun sôi cô cạn còn 250ml. Uống nóng chia 2 đến 3 lần trong ngày, đến khi vú hết đau nhức và sữa chảy ra bình thường.

Bài 3: Chữa vết thương

Dùng lá cây đinh lăng giã nát, đắp vết thương.

Bài 4: Đau đầu, đau nửa đầu

Lá phơi khô sao vàng hạ thổ 100g, sắc với 100ml nước uống trong ngày.

Bài 5: Chữa lỵ đường ruột mạn

Đinh lăng rễ 30 gam sao vàng hạ thổ, rau sam 1 nắm sao vàng hạ thổ, cỏ sữa lá nhỏ 1 nắm sao vàng hạ thổ, búp ổi 7 ngọn với nam, 9 ngọn với nữ, lá trắc bách sao đen 50 gam, cây ba gạc 30 gam, cam thảo đất 30 gam. Sắc với 1 lít nước cô cạn còn 300 ml uống chia 2 lần trước ăn.

Trong phong thủy, loại cây cảnh này có tác dụng trấn trạch, ngăn chặn khí xấu vào nhà, giúp trấn giữ nguồn năng lượng tốt, giúp tài khí dễ tụ lại trong nhà mà không bị tiêu tán mất.

Chính vì vậy, trồng một cây đinh lăng trong nhà chẳng khác gì bạn có “thần giữ của”, không lo tiền tài trôi vụt mất.

Không chỉ vậy, loại “nhân sâm của người nghèo” này cũng có tác dụng chiêu tài đón lộc. Theo quan niệm dân gian, vị trí thích hợp nhất để trồng cây đinh lăng là ở trước cửa nhà (lưu ý không được chắn lối đi), bởi đây là vị trí đón tài lộc, trồng cây đinh lăng ở đây sẽ mang lại may mắn, tài lộc gấp bội cho gia chủ.

Nếu nhà không có diện tích, bạn cũng có thể trồng cây cảnh đinh lăng trong nhà hoặc ban công, đảm bảo đủ ánh nắng cho cây phát triển là được, bởi đây là cây ưa nắng.

Cụ thể, nếu đặt cây cảnh này trong phòng khách, tốt hơn hết hãy đặt cạnh cửa sổ. Nếu đặt trong phòng ngủ, chỉ nên đặt những chậu cây nhỏ, đặt cạnh cửa sổ.

Vào ban đêm nên chuyển chậu cây cảnh này ra ngoài hiên hoặc mở cửa sổ ra bởi loại cây này sẽ hấp thụ khí oxy vào ban đêm, nếu không chuyển cây ra thì sẽ khiến người trong phòng cảm thấy ngột ngạt và khó chịu.

Vì cây đinh lăng mang nguồn năng lượng xanh, đặc biệt tương hợp với người mệnh Hỏa và mệnh Mộc. Do đó, gia chủ thuộc hai mệnh này nên trồng nhiều cây đinh lăng quanh nhà hơn để gia đạo êm ấm, tài lộc vượng phát.

Trồng cây cảnh đinh lăng tại nhà cần lưu ý điều gì?

- Đất trồng: Loại cây cảnh này không kén chọn đất, nhưng cây sẽ phát triển tốt hơn nếu được trồng trên đất phù sa, có trộn phân hữu cơ hoai mục cùng vỏ trấu. Nếu trồng chậu, chậu trồng nên có kích thước cao khoảng 40cm, đường kính rộng 35-40cm, đáy có lỗ thoát nước để tránh tình trạng đọng nước khiến cây bị úng rễ.

- Tưới nước: Cây cảnh đinh lăng có thể chịu được hạn nên bạn không cần tưới quá nhiều nước cho cây, khi nào mặt đất se khô thì bạn có thể tưới nước.

- Ánh sáng: Cây phát triển tốt nhất khi đặt ở nơi nhiều ánh sáng mặt trời, vì vậy tốt hơn hết bạn nên trồng cây ở nơi có nắng như ban công hướng Nam, sân thượng, cổng nhà,... Lưu ý, không trồng cây cảnh dựa sát vào tường, tránh đặt cạnh cục nóng điều hòa nếu không cây có thể bị sốc nhiệt, dẫn đến chậm phát triển và chết cây.

- Bón phân: Cây cảnh đinh lăng không cần quá nhiều phân bón, chỉ nên bón phân trùn quế 2 tháng/lần là đủ.

Tác giả: Vũ Ngọc