Nấu ăn bị mặn đừng vội thêm nước: Dùng mẹo đơn giản này món ăn vừa ngon, vừa tròn vị

( PHUNUTODAY ) - Nếu nấu ăn bị mặn bạn sẽ xử lý bằng cách nào? Khoan vội đổ thêm nước, hãy áp dụng mẹo hay dưới để món ăn tròn vị.

Trong một vài tình huống, bạn có thể tra gia vị không chuẩn khiến cho món ăn tâm huyết của mình bị mặn chát. Khi đó, bạn sẽ xử lý như thế nào, nếu không xử lý đúng món ăn của bạn sẽ trở thành thảm hoạ. Khoan vội đổ thêm nước, hãy áp dụng mẹo hay dưới để món ăn tròn vị.

Sử dụng chanh tươi hoặc giấm

Chanh tươi và giấm là những thành phần quen thuộc trong bếp mà không chỉ giúp tăng hương vị cho món ăn mà còn có khả năng giảm độ mặn một cách đáng kể.

Đối với các món kho hoặc canh, bạn có thể thêm 1 - 2 muỗng cà phê nước cốt chanh vào sẽ giúp giảm đi độ mặn mà không làm ảnh hưởng đến hương vị gốc. Lưu ý rằng bạn nên tránh thêm nước cốt chanh vào các món chứa sữa, vì điều này có thể gây kết tủa, giảm hương vị cũng như thẩm mỹ của món ăn.

Với giấm, bạn nên thêm từ từ và theo từng lượng nhỏ để điều chỉnh độ mặn, sau đó nêm nếm và thêm dần để đảm bảo hương vị phù hợp. Hãy cẩn trọng và không thêm quá nhiều giấm một lần vì sẽ khó để điều chỉnh lại vị.

Sử dụng sữa chua không đường

Nếu không có chanh, giấm, bạn cũng có thể sử dụng sữa chua không đường để giảm độ mặn của món ăn do nêm gia vị quá mặn. Hãy thêm 1 - 2 muỗng cà phê sữa chua không đường vào món ăn, khuấy đều để hợp chất trong sữa chua làm giảm độ mặn của món ăn một cách đáng kể.

Sử dụng cà chua

Cà chua cũng có tác dụng điều chỉnh món ăn quá mặn. Cắt vài lát cà chua đặc vào món ăn đã nấu chín trong khoảng 15 - 20 phút, vị chua của cà chua sẽ giúp trung hòa độ mặn một cách hiệu quả.

Cho thêm nguyên liệu

Nếu bạn có nhiều hơn nguyên liệu đã sử dụng hãy nghĩ ngay đến nó nếu lỡ món ăn bị mặn. Lưu ý, khi cho thêm nguyên liệu vào phải ưu tiên những nguyên liệu chính của món ăn. Nếu không như thế tốt nhất bạn nên đổ nó đi vì chẳng ai muốn ăn một món hỗn tạp cả.

Dùng khoai tây sống

Khoai tây sống thái lát không chỉ có tác dụng hút vị mặn của món canh mà nó còn rất hiệu quả với các món kho, xào, hầm. Bạn cứ việc cho chúng vào nồi cho đến khi hết mặn hãy vớt chúng ra đảm bảo kết quả vượt mong đợi.

Sử dụng mật ong hoặc đường

Mật ong cũng giúp điều chỉnh độ mặn cho món ăn. Thêm 1 muỗng cà phê mật ong vào các món canh, súp, món kho, và khuấy đều, giúp giảm độ mặn và tăng thêm hương vị cho món ăn. Mặc dầu vậy, cũng chỉ nên sử dụng một lượng vừa phải, tính toán lượng đường trước và sau khi chữa mặn kẻo ảnh hưởng đến sức khoẻ gia đình đặc biệt với người bị mắc bệnh tiểu đường không nên dùng cách này.

Dùng lòng trắng trứng

Một phương pháp hơi phức tạp nhưng rất hiệu quả là sử dụng lòng trắng trứng gà. Khi món canh hoặc súp quá mặn, bạn tách riêng lòng trắng trứng gà và cho vào món ăn, sau đó đun sôi trong khoảng 5 - 10 phút. Khi lòng trắng trứng đã tan ra, bạn khuấy đều một lần nữa để đảm bảo việc trung hòa độ mặn.

Thêm nước

Với các món canh, súp, lẩu bị mặn, bạn có thể khắc phục đơn giản nhất bằng cách đổ một ít nước lọc vào món ăn để làm dịu đi vị mặn. Sau đó, bạn có thể nêm nếm lại với các gia vị thông thường như bột ngọt, bột nêm, tiêu, ớt, để điều chỉnh vị theo khẩu vị của bạn.

Tác giả: Vũ Thêm