Nấu chè đậu đen nhanh nhừ, bở tơi chỉ cần nắm bí quyết này: Hãy thử ngay

( PHUNUTODAY ) - Với những mẹo nấu chè đỗ đen nhanh nhừ dưới đây, thời gian chờ đợi và tiền điện của bạn cũng được giảm rất nhiều.

Ngâm đậu đen

Trước khi nấu chè, bạn cần ngâm đậu để loại bỏ các hạt lép, sâu. Đặc biệt, đây cũng là một trong những bước quan trọng để nấu đậu đen nhanh mềm, giúp hạt đậu giữ được hương vị thơm ngon.

Cách làm là ngâm đậu bằng nước lạnh trong 8 - 12 tiếng đồng hồ. Nếu nấu chè vào buổi sáng, bạn nên ngâm từ đêm trước, còn nếu muốn nấu chè vào buổi chiều tối sau giờ làm việc, hãy ngâm vào buổi sáng trước khi ra khỏi nhà.

Nếu thời gian chờ đợi ấy quá dài đối với bạn, hãy ngâm bằng nước ấm trong 2-4 tiếng đồng hồ. Còn nếu bạn đột nhiên muốn ăn chè, không có kế hoạch ngâm đậu từ trước, hãy dùng nước sôi. Cho đậu đã nhặt và rửa sạch vào nồi, đổ nước xâm xấp rồi đun sôi, để trong 2 phút rồi tắt bếp, ngâm cho đến khi nguội, nhớ đậy kín vung.

Một số mẹo giúp nấu chè đỗ đen nhanh nhừ

Thêm một chút muối nở

- Cho muối nở vào sẽ giúp cho hạt đậu mềm nhanh hơn mà không bị nát. Bạn có thể cho 1 muỗng cà phê muối nở vào thau ngâm đậu trong khoảng 2 tiếng, sau đó cho thêm 1 muỗng cà phê muối nở nữa vào nồi khi hầm đậu đen, rồi nấu với đường như bình thường.

- Với cách này đậu sẽ mau nhừ, ngọt đều, không vỡ hạt, chỉ cần cho thêm đường vào rồi đun sôi mà không phải xào đậu gì hết.

Nấu bằng lửa nhỏ

Muốn nấu chè đậu đen nhanh nhừ, hãy đun với lửa nhỏ sau khi đã sôi. Cách này còn giúp giữ tối đa các chất dinh dưỡng trong hạt đậu.

Thời gian ninh đậu là khoảng 45 - 60 phút tùy vào lượng đậu và độ mềm mà bạn muốn. Nên đậy vung trong quá trình đun, thường xuyên kiểm tra để kịp thời cho thêm nước nếu cạn.

Sử dụng chảo rang

Bạn cho đậu vào nồi nước hầm đến khi thấy hạt mềm, hơi nứt ra thì tắt bếp. Sau đó vớt đậu ra cho vào chảo và rang với đường để đường chảy ra, bám vào hạt đậu, rồi để lửa nhỏ riu riu khoảng 10 - 15 phút là đậu sẽ ngấm đường mà không bị nát. Tiếp đến, bạn đổ nước hầm đậu ban nãy vào, nước đậu và đậu sẽ hòa quyện, ngọt đều.

Thêm nước nóng

Đây là cách nấu chè đậu đen nhanh nhừ mà không nhiều người biết. Việc thêm nước vào nồi trong quá trình nấu không chỉ giúp tránh tình trạng nồi chè cạn, khê, cháy mà còn đẩy nhanh tốc độ nấu, với điều kiện bạn phải thêm nước nóng. Thêm nước nghĩa là bạn duy trì nhiệt độ ổn định cho hạt đậu, giúp nó chín đều, quá trình làm chín không bị gián đoạn.

Không cho đường trước khi đậu nhừ

Nếu bạn cho đường sớm, hạt đậu sẽ cứng lại, ninh rất lâu mềm và mất ngon. Vì vậy, hãy đợi hạt đậu vừa đủ nhừ mới cho đường, muối, đun thêm một lát nữa cho ngấm rồi tắt bếp. Hạt đậu sẽ tiếp tục ngấm gia vị trong quá trình nguội dần.

Không được thêm gia vị trong lúc nấu

Để nồi đậu luôn giữ được độ thơm ngon, hấp dẫn vốn có trong từng hạt đậu và không làm đậu bị thay đổi kết cấu hay khiến chúng bị cứng lại thì bạn không được thêm gia vị trong lúc nấu nhé!

Sử dụng nồi áp suất để nấu chè

Nếu bạn muốn thưởng thức ngay các món ăn được nấu từ đậu đen mà không tốn quá nhiều thời chế biến thì có thể thử dùng nồi áp suất để nấu thay thế các cách nấu thông thường vừa nhanh chóng vừa tiện lợi.

Phương pháp này khá đơn giản nhưng đậu sẽ có khả năng bị nhừ hơn vì nhiệt được tạo ra từ nồi áp suất khá mạnh. Đầu tiên, bạn cần làm sạch đậu, sau đó đem đậu đi ngâm với nước lạnh, nước ấm hoặc nước sôi tùy vào nhu cầu muốn chế biến nhanh hay chậm của mình.

Sau đó cho đậu vào nồi áp suất với tỉ lệ là một phần đậu thì 2 phần nước rồi chỉnh chế độ phù hợp và bắt đầu nấu đậu. Đun đậu đến khi gần chín thì bạn điều chỉnh áp suất và mở nắp nồi để thêm ít muối hoặc đường tùy vào khẩu vị của mình.

Cuối cùng là đậy nắp lại rồi tiếp tục đun đến khi đậu chín mềm, nước cạn là có thể múc ra tô và thưởng thức được rồi nhé!

Những người không nên ăn chè đỗ đen

Chè đỗ đen tuy tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.

Báo Vietnamnet dẫn lời Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học Cổ truyền, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, những người cần hạn chế sử dụng đậu đen hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Thứ nhất, người bị bệnh thận: Nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu, do đó người có bệnh về thận cần thận trọng khi sử dụng.

Thứ hai, người đang uống thuốc có khoáng chất: Trong nước đậu đen có chứa Phytat làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Phytat gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho.

Vì vậy, bạn không nên dùng nước đậu đen để uống các loại thuốc có chứa sắt, kẽm, can, đồng, canxi hoặc sử dụng thực phẩm có chứa các chất này… dẫn tới thiếu máu, loãng xương. Tốt nhất, thời gian lý tưởng để sử dụng đậu đen với các thực phẩm khác là cách nhau khoảng 4 giờ.

Thứ ba, người mắc bệnh viêm đại tràng, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Nếu bạn muốn uống thì phải rang lên và dùng với số lượng ít.

Thứ tư, trẻ nhỏ và người già, do hàm lượng protein trong đậu đen rất cao khiến cho người già, trẻ em hay người có thể trạng yếu, khó tiêu thụ hết lượng protein trong đậu đen, dễ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.

Tác giả: Vũ Ngọc