Bảo hiểm y tế là gì?
Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Chế độ này được thực hiện dựa trên các nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ. Bên cạnh đó các nguyên tắc về mức đóng, mức hưởng, chi phí khám chữa bệnh cũng được quy định chặt chẽ.
Như vậy có thể hiểu, bảo hiểm y tế là một loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo đó, người mua bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị, phục hồi sức khỏe,… nếu không may xảy ra tai nạn, ốm đau, bệnh tật.
Những thay đổi về BHYT trong tháng 12/2023
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 3-12-2023. So với Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung 10 nội dung, 3 biểu mẫu và bãi bỏ 4 khoản, trong đó có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT. Cụ thể như sau:
Nghị định 75/2023 bổ sung thêm đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế 100% và 95%. Thêm hai đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế 100% gồm:
- Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc;
- Người dân thuộc xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc khác theo Luật bảo hiểm y tế.
Ba đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế 95% gồm:
- Vợ/chồng liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo trường hợp nuôi con liệt sĩ hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống;
- Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Người phục vụ thương binh (tính cả thương binh loại B được công nhận trước 31-12-1993), người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị tổn thương từ 81%;
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 (các xã này không còn trong danh sách các xã thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025).
Tăng trợ cấp hằng tháng cho quân nhân phục viên, xuất ngũ, thôi việc
Thông tư 82/2023/TT-BQP có hiệu lực từ 19-12, hướng dẫn chi tiết việc điều chỉnh tăng 12,5% trợ cấp hằng tháng cho quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo chính sách tại nghị định 42/2023.
Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng từ tháng 7-2023 được tính theo mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6-2023 nhân với 1,125.
Sau khi được điều chỉnh tăng thêm, mức trợ cấp hằng tháng của quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc sẽ từ 2,285 triệu đồng/tháng đến 2,7 triệu đồng/tháng tùy số năm công tác.
Thêm quyền lợi cho người nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp
Quyết định 24/2023/QĐ-TTg có hướng dẫn mới về trường hợp bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, bao gồm: bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; có kết quả xét nghiệm HIV dương tính.
Mẫu máu xét nghiệm phải lấy từ người bị phơi nhiễm với HIV tại thời điểm từ đủ 30 ngày đến trước 180 ngày kể từ thời điểm bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Những người này nếu đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên sẽ được giải quyết nghỉ hưu luôn mà không cần đợi đến khi đủ tuổi, đồng thời cũng không bị trừ tỉ lệ hưởng do nghỉ hưu sớm theo điều 219 Bộ luật Lao động.