“Nghiệp là gì?” Đức Phật mỉm cười đưa ra đáp án khiến ai cũng bất ngờ: Đừng nghĩ, bạn đã hiểu đủ về nghiệp

( PHUNUTODAY ) - Một hôm, Đức Phật đang hóa duyên cùng các phật tử, thì bỗng một môn đồ tìm đến, hỏi Ngài một câu: “Thưa Đức Phật tôn kính, xin hỏi Nghiệp thực chất là gì?” Con người đừng nghĩ trước nay mình đã hiểu đủ về nghiệp.

Câu chuyện thấm thía của Đức Phật

Một hôm, Đức Phật đang hóa duyên cùng các phật tử, thì bỗng một môn đồ tìm đến, hỏi Ngài một câu: “Thưa Đức Phật tôn kính, xin hỏi Nghiệp thực chất là gì?”

Đức Phật trả lời: “Trước khi đưa ra đáp án, ta muốn kể các ngươi nghe một câu chuyện. Xưa kia, có một vị vua đang thăm thú vương quốc của mình, thì chợt dừng lại trước một cửa hàng bán gỗ đàn hương, ngài nói với viên cận thần: “Không biết tại sao, nhưng ta muốn treo cổ chủ cửa hàng này”.

Hôm sau, viên cận thần nọ này tìm đến cửa hàng hôm qua, hỏi: “Cửa hàng buôn bán tốt không?” Chủ cửa hàng buồn rầu đáp: “Hầu như chẳng có vị khách nào. Người ta cứ đến cửa hàng, khen gỗ tốt, rồi lại bỏ đi. Tôi chỉ hy vọng, nhà vua sớm qua đời. Có như thế thì người ta mới có nhu cầu mua thật nhiều gỗ đàn hương để phục vụ cho các công đoạn tang lễ”.

Quyết định bất ngờ của vị cận thần và...

Đến lúc này, vị cận thần đã hiểu tại sao nhà vua lại muốn giết chủ cửa hàng. Có lẽ, ý nghĩ tiêu cực của anh ta đã tác động tới nhà vua, và khiến ngài cũng muốn anh ta chết quách cho xong. Viên cận thần bèn mua một ít gỗ đàn hương, dâng lên đức vua tôn quý, và bảo rằng đó là món quà của chủ cửa hàng muốn tặng bệ hạ.

Nhà vua hết sức ngạc nhiên, và vô cùng thích thú trước màu vàng tinh tế và hương thơm tuyệt vời của thức gỗ. Ngài bèn thưởng lớn cho chủ cửa hàng. Không chỉ vậy, trong tâm còn tự trách về ý nghĩ tội lỗi của mình. Còn chủ cửa hàng nhận được tiền thưởng, nhận ra nhà vua là một đấng quân vương hào phóng, và vô cùng hối hận khi mong nhà vua sớm băng hà.

Đáp án thực sự của câu hỏi “Nghiệp là gì?”

“Vậy Nghiệp là gì?” Đức Phật hỏi lại môn đồ sau khi kết thúc câu chuyện. “Suy nghĩ của ngươi chính là Nghiệp đó”.

Con người một khi đã dự tính đi làm tà ác, trước tiên sẽ phải trải qua quá trình bày mưu tính kế. Cho nên, ý nghĩ mới là nguồn gốc của hành động chứ không phải hành vi hay lời nói. Nếu như chân tâm lương thiện, không nhúng chàm tội lỗi, sẽ không nói ra lời tà ác, làm ra những chuyện táng tận lương tâm.

Vậy nên con người, hãy biết cúi đầu và hổ thẹn từ trong suy nghĩ, mới ngăn chặn bản thân làm ra những chuyện trời không dung đất không tha. Đừng nghĩ, không làm gì là trời xanh không thấu. Kẻ tâm địa tà ác, muôn đời sẽ không được độ trì.

Tác giả: Xuân Quỳnh