Câu chuyện Phật Giáo và 4 kiểu người sợ chết theo lời Phật dạy
Một hôm, có một môn đồ Bà la môn tên Janussoni đến gặp Đức Phật. Janussoni hỏi Ngài: “Thưa Đức Phật, chắc hẳn là ai cũng sợ chết phải không?” Đức Phật lắc đầu: “Đúng là có những người sợ chết, nhưng cũng có những người thì không”.
Janussoni tỏ ra rất ngạc nhiên: “Lại có những người không sợ cái chết hay sao? Họ là những ai vậy?”. Đức Phật trả lời: “Trên đời, có 4 kiểu người không sợ cái chết.
Thứ nhất, đó là những người đã bỏ được ham muốn, không còn chạy theo hư vinh, vật chất hay dục sắc.
Thứ 2, đó là những người có nhận thức đầy đủ về cơ thể mình. Họ hiểu rằng sống ở đời không thể thoát khỏi quy luật: sinh lão bệnh tử.
Thứ 3, những người thường làm việc thiện, sẽ có tâm thanh thản, nhẹ nhàng, chết cũng không hối tiếc.
Thứ 4 là những người đã được giác ngộ, có niềm tin vào thiện lành, nhìn rõ thế sự vô thường”.
Janussoni lại hỏi tiếp: “Vậy những ai thì sợ chết, thưa Đức Phật?”
Đức Phật khoan thai: “Ngược lại với 4 kiểu người nói trên sẽ là những người luôn bị cái chết ám ảnh.
Thứ nhất là những người chưa bỏ được ham muốn về vật chất và dục sắc, lo sợ chết đi sẽ không còn được hưởng thụ.
Thứ 2 là những người tự yêu bản thân đến mức phát cuồng. Họ lo sợ khi thấy mình già đi, tàn tạ, bệnh tật.
Thứ 3, đó là những người chỉ làm việc ác, chưa làm được việc gì tốt đẹp cho đời, sợ chết đi sẽ phải chịu đựng hình phạt hà khắc dưới địa ngực.
Thứ 4, đó là những người có tâm chưa vững, luôn sống trong sự bất an, nghi ngờ hiện tại, lo sợ tương lai.
Những cách đơn giản để vun đắp lòng dũng cảm
1. Nhìn nhận nỗi sợ của bản thân: Muốn trở nên can đảm chính bạn buộc phải chấp nhận nỗi sợ hãi của mình. Biết đối mặt và vượt qua nỗi sợ, sẽ giúp tâm trí ta kiên định và vững vàng hơn. Ngược lại, nếu lảng tránh, ta chỉ càng yếu đuối và nhu nhược.
2. Cố gắng đừng do dự: Càng chần chừ, bạn sẽ càng hoảng loạn, và chẳng làm được gì nên hồn. Cẩn trọng là tốt, nhưng nếu thái quá sẽ đánh mất nhiều cơ hội trời ban, thậm chí còn dẫn đến quyết định sai lầm. Bởi tâm dao động, sẽ chẳng thể tỉnh táo.
3. Tu dưỡng đạo đức của bản thân: Hãy chú tâm vào việc của mình, đừng xen vào việc của thiên hạ. Trở nên thiện lương, không làm việc thất đức, chẳng việc gì phải sợ, vì “cây ngay không sợ chết đứng”.
4. Tin vào bản thân mình: Tin tưởng vào bản thân mình sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, và hoàn toàn đủ sức đập tan mọi niềm sợ hãi. Đừng để nỗi thất bại khiến tâm can dao động. Đừng để lời gièm pha của thiên hạ khiến bạn bối rối khi bước trên con đường của bản thân.