Người cơ địa dị ứng có cần làm test dị ứng trước khi tiêm vắc xin Covid-19? Chuyên gia giải đáp

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người lo lắng về phản ứng khi tiêm vắc xin Covid-19 nên đi làm test dị ứng. Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến cáo việc này.

Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc tiêm vắc xin Covid-19 chống chỉ định với những người từng có phản ứng lần 1 khi tiêm vắc xin Covid-19 và người dị ứng với các thành phần của vắc xin.

Các đối tượng bị dị ứng, sốc phản vệ với các thành phần dị nguyên khắc vẫn được tiêm vắc xin. Lo lắng về vấn đề dị ứng với vắc xin, nhiều người đã đi làm test.

Nói về vấn đề này, GS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết vắc xin cũng giống như các loại thuốc, thực phẩm khác, khi sử dụng vẫn có nguy cơ gặp phản ứng nhưng tỷ lệ này vô cùng thấp. Những trường hợp có tiền sử dị ứng bình thường hoàn toàn tiêm được ở cộng đồng. Những người có tiền sử sốc phản vệ độ 2 trở lên được tiêm ở cơ sở y tế có thể hỗ trợ cấp cứu.

GS Kính cũng cho biết các phản ứng xảy ra trong vòng 30 phút đầu sau khi tiêm. Do đó, người được tiêm chỉ cần theo dõi ở cơ sở tiêm 30 phút. Những người bị dị ứng mà không rõ tác nhân cũng không cần test dị ứng trước.

TS Nguyễn Huy Luân – Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ, người cơ địa dị ứng không chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19. Bởi không phải bất cứu ai dị ứng với thuốc cũng sẽ dị ứng với các thành phần trong thuốc đó. BS Luân lấy ví dụ, bệnh nhân dị ứng với thuốc paracetamol dạng viên con nhộng nhưng khi uống viên sủi, viên nén thì không sao. Bác sĩ lý giải nguyên nhân không phải do bệnh nhân dị ứng với paracetamol mà phản ứng với vỏ con nhộng.

Trong vắc xin Covid-19 có các chất kháng nguyên là các protein của virus. Người tiêm hầu như không dị ứng với thành phần này. Các thành phần có thể gây dị ứng là các chất Polyrthylene Glycol có trong vắc xin của Pfizer, Modera. Bạn có thể tìm thấy thành phần này trong các loại thuốc nhuận tràng, kem đánh răng hay kem bôi da.

Thành phần Polysorbate 80 trong vắc xin của Astrazeneca và Janssen cũng có thể tìm thấy trong các loại vitamin dạng dầu, một số loại thuốc và mỹ phẩm.

Bác sĩ Luân cũng cho biết thêm, khi test dị ứng, người bị dị ứng có thể xảy ra các phản ứng tương tự như lúc tiêm. Do đó, thay vì bỏ tiền đi test, bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi tiêm vắc xin ngay khi đến lượt.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Nam Trung, chuyên ngành dịch tễ học, bang Maryland, Mỹ cũng chia sẻ quan điểm không phải test dị ứng trước khi tiêm vắc xin. 3 lý do chính là:

- Không có bằng chứng cho thấy người có cơ địa dị ứng tăng nguy cơ dị ứng với vắc xin Covid-19. Bởi số lượng người có cơ địa dị ứng rất lớn nhưng tỷ lệ dị ứng với vắc xin Covid-19 lại rất nhỏ - chỉ 20/1 triệu mũi tiêm trở xuống.

- Test dị ứng âm tính hay dương tính không dự đoán được bạn sẽ bị dị ứng với vắc xin hay không.

- Không rõ mức độ an toàn của các test dị ứng: Có quá ít số liệu để đánh giá mức độ an toàn của các test lẩy da dùng vắc xin Covid-19 hoặc lấy thành phần vắc xin để thử.

Tác giả: Thanh Huyền