Nhiều người băn khoăn, những người có tiền sử dị ứng như viêm mũi dị ứng, dị ứng thời tiết, thức ăn, với thuốc paracetamol hoặc đang sử dụng kháng sinh... thì có nên tiêm phòng vắc-xin Covid-19 hay không?
Về vấn đề này, PGS. TS Lê Thị Thanh Xuân (Trưởng phòng Tiêm chủng, Đại học Y Hà Nội) trả lời: Theo quy định của Bộ Y tế, những người có tiền sử dị ứng vẫn có thể tiêm vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, những trường hợp có tiền sử dị ứng phải tiêm vắc-xin Covid-19 tại cơ sở bệnh viện. Nói như vậy không có nghĩa là 100% những người có tiền sử dị ứng sẽ được tiêm tại bệnh viện, chỉ là "có thể" thôi. Việc được tiêm tại bệnh viện hay không sẽ được quyết định bởi bác sĩ khám sàng lọc.
Điều quan trọng nhất là khi đi khám sàng lọc, bạn cần khai báo thành thật tiền sử dị ứng với bác sĩ như dị ứng bởi tác nhân nào, thời gian nào, sau dị ứng thì bạn có biểu hiện như thế nào, bạn có phải dùng thuốc để điều trị hay không hay bạn đã từng phải vào viện để cấp cứu, xử trí... Tất cả những vấn đề ấy, bạn phải là người nắm rõ nhất và khai báo thành thật, đầy đủ. Khi bác sĩ nắm rõ tiền sử bệnh lý sẽ có phương án phù hợp nhất có thể cho trường hợp của bạn.
Bác sĩ. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết: Theo Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế, những trường hợp có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ từ độ 2 trở lên) do mọi nguyên nhân đều không được chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19. Còn những người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng nhẹ ngoài da do thuốc, thức ăn… đều có thể được chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19 như những người không có tiền sử dị ứng.
Một số đối tượng có thể được chỉ định tiêm vaccine nhưng cần sự thận trọng đặc biệt, bao gồm: Những người có tiền sử dị ứng tức thì với nhiều loại thuốc, dị ứng vaccine, hội chứng quá mẫn với aspirin và thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tiền sử phản vệ không rõ nguyên nhân hoặc bệnh lý tế bào mast.
Trường hợp bệnh nhân vừa trải qua thời gian dùng kháng sinh có đủ điều kiện tiêm vắc-xin Covid-19 thì PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trả lời nên dùng hết đợt thuốc kháng sinh điều trị ổn định, thậm chí là sức khỏe dạ dày cũng ổn rồi mới đi tiêm cũng không quá muộn.
Bộ Y tế quy định rõ về các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng, cần thận trọng khi tiêm chủng, các trường hợp trì hoãn tiêm chủng và các chống chỉ định tiêm chủng.
Những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng là những người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng vắc xin của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin.
Các trường hợp sau phải cẩn trọng, khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:
1. Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
2. Người có bệnh nền, bệnh mãn tính được điều trị ổn định.
3. Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
4. Người trên 65 tuổi.
5. Người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
6. Người có bệnh mãn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg, nhịp thở dưới 25 lần/phút hoặc SpO2 < 94% (nếu có).
Các trường hợp trì hoãn tiêm chủng bao gồm những người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được. Ngoài ra, những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...
Ngoài ra, trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao, hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng sẽ trì hoãn tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, những trường hợp không chỉ định tiêm chủng gồm người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào, có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Dịch bệnh bùng phát mạnh, có nên trì hoãn tiêm chủng cho con?
-
10 việc cần biết trước khi tiêm vắc xin Covid-19, phòng biến chứng xảy ra
-
3 phản ứng bạn có thể gặp phải sau khi tiêm vắc xin nCoV
-
5 loại thực phẩm làm giảm tác dụng phụ sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19
-
Bé 5t liệt tứ chi vì căn bệnh nguy hiểm ở não có thể lây qua vết muỗi đốt: Cha mẹ đừng chủ quan