Dịch bệnh bùng phát mạnh, có nên trì hoãn tiêm chủng cho con?

( PHUNUTODAY ) - Việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhiều mẹ thắc mắc không biết có nên trì hoãn việc tiêm chủng cho con hay không.

Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin đúng lịch

Các chuyên gia y tế khuyến cáo ngay cả trong thời điểm có dịch bệnh thì cha mẹ vẫn nên đưa con đi tiêm phòng đúng lịch. Trường hợp trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ. Hoặc có thể khiến bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như viêm phổi, viêm họng, thủy đậu, sởi, cúm,… trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn.

Hơn nữa, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát thì việc tiêm đúng lịch là rất quan trọng và cần thiết để kịp thời phòng được bệnh đã tiêm cũng như để không nhầm lẫn với bệnh khác. Đặc biệt, một số triệu chứng của người nhiễm Covid-19 như ho, sốt khá giống với cúm hay các bệnh về đường hô hấp khác.

Trong 5 năm đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ được xây dựng để trở nên hoàn thiện hơn. Việc tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.

Như vậy, ở những khu vực không có dịch, hoặc dịch bệnh không quá nghiêm trọng thì cha mẹ vẫn nên đưa con đi tiêm phòng theo đúng lịch. Có thể đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi và tránh nơi đông người.

Những vắc xin không thể trì hoãn tiêm phòng

Có hai loại vắc xin mẹ bắt buộc phải cho con tiêm để đảm bảo sức khỏe cho trẻ là vắc xin viêm gan B tiêm ngay sau khi trẻ ra đời và vắc xin BCG tiêm khi trẻ được 28 ngày tuổi.

Ngoài ra có 2 loại vắc xin nữa là vắc xin phòng bệnh dại và vắc xin phòng uốn án cũng là 2 loại vắc xin không thể trì hoãn nếu như cần phải tiêm.

Những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng trong đợt dịch Covid-19

- Đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay sát khuẩn và tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

- Đo thân nhiệt cho trẻ và đánh giá sức khỏe của người đưa trẻ đi tiêm phòng.

- Cố gắng tránh sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đeo khẩu trang trong suốt quá trình cho trẻ tiêm phòng.

- Để bé ngồi lại khu vực tiêm phòng 30 phút, tránh tiếp xúc gần với những người khác.

- Trong vòng 24 tiếng sau tiêm không tắm cho trẻ. Chú ý đến vết tiêm của trẻ, nếu vết tiêm sưng to thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.

- Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cha mẹ cho trẻ uống hạ sốt theo liều chỉ định. Nếu trẻ không hạ sốt thì cần được đến bệnh viện thăm khám kịp thời.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link