Người tiêm 2 mũi có tỷ lệ mắc và nhiễm nCoV tới đâu: Giáo sư giải thích, hiệu quả vắc xin quá rõ

( PHUNUTODAY ) - Việc tiêm vắc xin sẽ làm giảm khả năng nhiễm bệnh và chuyển nặng nếu không may nhiễn nCoV. Vì thế, nhiều người quan tâm, người đã tiêm đủ 2 mũi thì tỷ lệ mắc và nhiễm ở mức nào.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết những người đã tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin vẫn mắc Covid-19 là chuyện hết sức bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra, vắc xin ngừa Covid-19 chỉ bảo vệ cơ thể từ 76%, điều đó có nghĩa là khoảng 24% những người đã tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp mắc bệnh khi đã chích đủ vắc xin đều không có biểu hiện bệnh hoặc bệnh nhẹ hơn người chưa tiêm mũi nào.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Văn Tuấn – Viện Y khoa Garvan, Úc cho rằng sau tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể nhiễm Covid-19.

Báo cáo của CDC ở Mỹ cho thấy xác suất người đã tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 vẫn có thể mắc bệnh là 1/5000 người. Một nghiên cứu khác, cũng từ Mỹ (ở Hạt Los Angeles, CA), cho thấy xác suất chừng 3/5000 người.

Nhóm nghiên cứu theo dõi 10.895 người đã được tiêm chủng 2 liều vắc xin và 30.801 người chưa/không tiêm vắc xin từ 1/5 đến 25/7 (tức gần 3 tháng), và ghi nhận:

Nhóm tiêm 2 liều vắc xin có xác suất nhiễm (tính theo trung bình 7 ngày) là 64/100.000 người

Nhóm chưa/không tiêm vắc xin có xác suất nhiễm là 315/100.000 người.

Tuy nhiên, GS Tuấn khẳng định việc nhiễm Covid-19 không phải con số quan trọng, mà nhiễm và cần nhập viện mới là con số quan trọng. Câu hỏi đặt ra là ở những người đã tiêm 2 liều vắc xin thì xác suất bị nhiễm nặng cần nhập viện là bao nhiêu? Nghiên cứu trên cung cấp câu trả lời là 1/100.000 người. Người chưa tiêm vắc xin nhiễm Covid-19 thì xác suất nhiễm nặng cần nhập viện là 29/100.000 người.

TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA cũng cho biết, việc người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn nhiễm bệnh là bình thường, không phải vắc xin tiêm vào là bạn được bảo vệ khỏi virus.

TS Vũ cho rằng với sự biến đổi của virus thành những biến chủng dễ lây hơn như chủng Delta với những điểm đột biến trên protein S làm cho vắc xin giảm hiệu quả bảo vệ là điều dễ hiểu. Các nhà khoa học hiện nay đang gọi là “biến chủng có khả năng vượt hàng rào miễn dịch”.

Tuy nhiên, vì sự biến đổi của virus chưa khác đến nỗi hệ miễn dịch trước đó không thể nhận diện được hoàn toàn nên những người chích vắc xin cho đến bây giờ vẫn còn khả năng kháng virus kể cả chủng Delta.

Bởi vì qua tỉ lệ nhiễm, tỉ lệ mắc bệnh nặng và tỉ lệ tử vong trong nhóm người đã tiêm vắc xin vẫn thấp hơn nhiều so với người chưa tiêm vắc xin.

Trong nghiên cứu trước đó của nhóm các nhà khoa học ở Singapore còn cho thấy, tuy rằng hiện tượng vượt rào miễn dịch xảy ra thường xuyên hơn với chủng Delta nhưng số lượng virus trong những người đã tiêm vắc xin đầy đủ giảm rất nhanh so với người chưa tiêm vắc xin.

Kết quả nghiên cứu này giúp giải thích tại sao hầu hết những người đã tiêm vắc xin nếu lỡ bị nhiễm bởi các biến chủng mới như chủng Delta chỉ có biểu hiện nhẹ, mau khỏi. Ngoài ra, vì lượng virus tồn tại trong những người đã đã tiêm giảm mau nên một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng vắc xin đã giúp giảm sự lây truyền virus cho những người khác tuy rằng hiệu quả đối với chủng Delta không cao bằng các chủng khác.

TS Vũ cũng chia sẻ thêm, để phòng trường hợp virus biến đổi vượt quá khả năng nhận biết này, các công ty sản xuất vắc xin đang chuẩn bị những vắc xin "cải tiến" với những thay đổi nhỏ trên protein S để phù hợp hơn với chủng mới và sẽ có thể dùng như mũi tiêm ngừa bổ sung trong tương lai. Điều này cũng giống như với việc chúng ta cần tiêm ngừa cúm mùa mỗi năm vì sự thay đổi của chúng.

Vậy việc tiêm vắc xin có ảnh hưởng gì tới kết quả xét nghiệm dương tính không?

‘Tất cả các loại vắc xin không có ảnh hưởng gì đến kết quả xét nghiệm nCoV. Phương pháp chuẩn vàng xét nghiệm nCoV hiện nay là PCR được thiết kế để tìm những mảng mRNA của virus chứ không tìm vắc xin’, ông nói.

Theo GS. Tuấn, xác suất dương tính giả của PCR còn liên quan đến kỹ thuật và ngưỡng CT để xác định thế nào là dương tính.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng xác suất dương tính giả là khoảng 5%. Có nghĩa là cứ 100 người không bị nhiễm nhưng đi làm xét nghiệm thì sẽ có 5 người có kết quả dương tính.

Tác giả: Thạch Thảo