Những câu chuyện tuyệt vời khiến bạn tin rằng: Giáng sinh bên người thân mới là ấm áp nhất!
Trở về nhà nhân dịp Giáng sinh - đó chắc sẽ là điều bạn muốn làm khi đọc xong những mẩu chuyện về tình cha con, thầy trò giản dị nhưng rất đỗi ấm áp này.
Một mùa Giáng sinh an lành về đem theo niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu người. Trong giờ phút này, giữa ngày Noel đẹp đẽ, bình an, bạn đang ở bên ai? Chắc đó sẽ là người mà bạn quan tâm, tin cậy và hết lòng yêu thương. Trong số đó, bạn sẽ không thể bỏ qua những "người tình vĩ đại", luôn yêu bạn vô điều kiện. Họ là ông bố, bà mẹ tuyệt vời mà ai cũng có.
Ở bên họ, không biết bao nhiêu mới là đủ. Nhưng nếu hôm nay, bạn vẫn chưa kịp dành thời gian cho gia đình thì xin hãy nán lại một chút thôi, đọc vài mẩu chuyện ngắn của chúng tôi, bạn sẽ tin rằng - trở về nhà không khi nào là muộn và ở bên người thân, luôn luôn là điều tuyệt vời nhất.
Bà mẹ siêu nhân kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư vì con
Nhắc đến chị Bùi Thu Thủy (bà mẹ đơn thân chiến đấu với bệnh ung thư vú), nhiều người thường gọi chị bằng rất nhiều cái tên ấn tượng như bà mẹ ung thư leo núi Fanxipan, single mom xuất bản sách về ung thư, bà mẹ đơn thân ung thư xinh đẹp… Nhưng với chị Thủy, khi gác lại tất cả những câu chuyện về bệnh tật, chị chỉ muốn được gọi một cách đơn giản là "mẹ của Bốp".
Làm mẹ Bốp với chị là điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời. "Lúc sinh Bốp tôi mới 23 tuổi, khi đó vợ chồng còn quá trẻ và gia đình nội ngoại đều phản đối nhưng tôi tin, sự lựa chọn của mình là chính xác".
Yêu con, dành thời gian bên con, thoáng chốc, cậu bé Bốp từ lúc chỉ bé như cục kẹo, đã vụt lớn, thành một bé trai 11 tuổi vững vàng. Bốp đã tỏ ra là một người đàn ông mạnh mẽ, gì cũng biết làm. Không chỉ chia sẻ việc nhà, Bốp còn là một người bạn, biết lắng nghe tâm sự của mẹ. Đó là một món quà quý mà chị Thủy vô cùng trân trọng.
Mọi thứ liệu có hoàn hảo hơn nếu chị không bị mắc bệnh ung thư? Câu trả lời thật khó đoán nhưng chị Thủy luôn tin chắc, "những gì không giết chết bạn, nó sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn". Khi những tế bào ung thư nảy nở trong cơ thể chị cũng là lúc chị nhận ra mình là một bà mẹ siêu nhân, sẵn sàng làm tất cả vì con.
"Tôi cười rất nhiều, để Bốp và mọi người hiểu tôi thực sự ổn. Bằng cách sống lạc quan, tự tin, tôi muốn truyền cho Bốp lòng dũng cảm vươn tới giấc mơ của riêng mình".
Có một người con trai khỏe mạnh, kiên cường như Bốp chắc chắn là niềm tự hào của rất nhiều ông bố, bà mẹ. Yêu một người con như thế, chắc không phải là điều quá khó. Nhưng câu chuyện về cha con Minh hấp thì hoàn toàn khác. Bình Minh sinh ra ngay từ nhỏ đã mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. 26 tuổi, nhận thức của cậu chỉ như đứa trẻ lên 5-6 tuổi và có lẽ cho đến mãi về sau, cho đến hết cuộc đời, Minh sẽ không thể nào trở thành người bạn ở bên san sẻ công việc hay những nỗi niềm riêng cùng cha cậu.
Ông Bình (cha của Minh) chưa bao giờ nhận mình là một người vĩ đại hay có điểm gì đó khác biệt. Đơn giản là khi Minh có bệnh, ông chạy khắp tứ phương để tìm cách cứu chữa. Khi biết bệnh thiểu năng trí tuệ không cứu vãn được nữa, ông vẫn cố gắng đưa cậu về nhà trị liệu bằng cách massage, uống thuốc. Chặng đường đó nghe thì đơn giản nhưng 26 năm qua, nó đã lấy đi không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của ông Bình.
Điều đau đớn nhất là Minh bị bệnh, hay trêu chọc người khác và nhiều người không hiểu, thường đánh đập, lăng nhục cậu. Nhiều lần ông Bình thấy con trở về nhà sau khi bị hất cả chậu nước vào người hay thậm chí bị chém vào đầu, máu chảy ướt áo.
Thương con và gần như bất lực khi không thể đi theo kè kè canh chừng, ông Bình đã nảy ra sáng kiến ghi số điện thoại và dòng chữ "Xin đừng đánh" vào lưng áo của Minh. Chiếc áo nào mua về, ông cũng ghi dòng chữ ấy cùng số điện thoại vào, ngay cả những chiếc áo mà Minh còn chưa mặc lần nào.
Bây giờ cuộc sống của ông Bình gắn chặt với việc chăm lo cho Minh. Mọi công việc ông làm đều là vì Minh. Khi Minh đi chơi, bao giờ ông cũng mặc áo cho cậu và nhắc con đi nhớ về sớm, đi lại cẩn thận. Ông luôn nhìn theo bước chân Minh, dù bước chân ấy chỉ là thói quen thôi nhưng người cha vẫn mong rằng, biết đâu đấy, nó sẽ khiến Minh, từ một con người "hồn nhiên", được "bình minh" thật sự.
Không phải là máu mủ ruột già nhưng câu chuyện về thầy Phục (Thượng úy Trần Bình Phục) và tụi con nít nơi biển lớn lại luôn chan chứa tình thân, chẳng khác gì cha con ruột. Với anh Phục, đảo Hòn Chuối chính là ngôi nhà thứ 2 và 22 học sinh của anh, chúng chính là những đứa con mà anh nâng niu, sẵn sàng hy sinh rất nhiều thứ để dạy chúng biết đi học và ước mơ một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Đảo Hòn Chuối nằm ở phía cực nam của Tổ quốc và là một vùng đất đầy rẫy những khó khăn. Thu nhập chính của dân trên đảo phụ thuộc vào công việc đánh bắt hải sản. Vì người lớn phải thường xuyên đi biển, nên trẻ em ở nhà chẳng được ai dạy dỗ, chúng sống theo bản năng là phần nhiều.
"Con người ta khổ nhất không phải là đói ăn, đói mặc mà là đói tri thức. Bọn trẻ ở đây chúng đói tất cả. Vì thế nhìn chúng tôi thật sự xót xa. Tôi đã từng trải qua tuổi thơ gian khó nên thấu hiểu những điều mà tụi nhỏ đang đối mặt".
Mong muốn tụi nhỏ có một tương lai khác hơn, anh Phục xin ban chỉ huy cho phép mở một lớp học tình thương để dạy con chữ cho lũ trẻ. Vì theo anh chỉ có học mới giúp chúng thay đổi tương lai của mình.
Ấy thế mà chuyện thuyết phục phụ huynh cho con em đi học không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều lần anh Phục bị người dân xua đuổi, nặng lời, nhưng anh vẫn kiên nhẫn.
Lớp học ban đầu chỉ có 5 em nhỏ theo học. Cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, thầy phải chia thời gian dạy một lúc 5 lớp. Ngày nắng, lớp học nóng như đổ lửa, ngày mưa thầy trò phải dắt nhau chạy như chuột chạy đồng vì mưa dột. Khó khăn là thế nhưng thầy trò vẫn cùng nhau vượt qua, dần dần lớp học có thêm nhiều bạn mới, đến nay đã có 22 em theo học.
Hễ có dịp vào đất liền công tác hay về thăm nhà, là thầy Phục lại tranh thủ đi xin đồng phục, sách vở, cặp sách cho tụi nhỏ. Rồi may mắn anh được Trung ương Đoàn hỗ trợ kinh phí để xây trường. Sau 5 tháng trời ròng rã đổ mồ hôi và cả máu,- cuối cùng ngôi trường cũng hoàn thành.
Ước mơ về một ngôi trường khang trang, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ việc học của các em nhỏ của thầy Phục cuối cùng cũng đã thành hiện thực. "Cho đến bây giờ chúng tôi cũng không tin rằng mình đã làm được điều đó" – anh nhớ lại.
Hai đứa trẻ đã phải chịu sự bạo hành tàn bạo của người mẹ chỉ vì quá háo hức, mở quà Giáng sinh sớm.
Sascha Collins, 36 tuổi, ở Greenfield, Hoa Kỳ vừa bị bắt giữ trước thềm giáng sinh với tội danh đánh đập chính hai đứa con ruột của mình.
Hai đứa con của cô, 7 - 9 tuổi đã tìm thấy quà giáng sinh của chúng được giấu trong tủ quần áo của người mẹ. Vì quá tò mò, hai đứa trẻ đã mở quà sớm trước khi chờ đến ngày Giáng sinh.
Cô Sascha Collins phát hiện ra sự việc và đã vô cùng tức giận bởi hành động này của hai đứa trẻ. Người mẹ dùng dây thắt lưng đánh liên tiếp vào hai đứa trẻ, chưa dừng lại ở đó, người phụ nữ này còn ném hai con vào tường.
Sau vụ bạo hành, cơ thể hai đứa trẻ đều bị bầm tím nghiêm trọng. Em gái của hai đứa trẻ sau khi nhìn thấy vết thương của hai anh đã đi báo cảnh sát.
Cảnh sát trưởng cho biết: "Khi chúng tôi nhìn thấy hai đứa trẻ tim tôi quặn thắt lại. Hai đứa trẻ chỉ vì quá phấn khích với món quà Giáng sinh mà thôi chứ chúng nào có tội tình gì".
Người mẹ sẽ phải đối mặt với bản án ít nhất là 14 năm tù giam với tội ác của mình. Hiện hai đứa trẻ đã được đưa vào bệnh viện để chăm sóc.
Tác giả: Nguyễn Tài Tiến
-
Máy bay chở khách rơi, gần 100 khách mất tích
-
Vụ thảm sát 4 người ở Lào Cai: Kẻ gi.ết người nhận án tử hình
-
Xuất hiện cơn bão mới vào Biển Đông, miền trung mưa lớn
-
Lại tai nạn kinh hoàng: Cha bất cẩn để 2 con ấn ga xe máy đâm trực diện ô tô
-
Vụ ông bố địu con nhặt rác: Người thân xác nhận thanh niên ăn chơi, lêu lổng