Những món ăn cần chuẩn bị trong mâm cúng hóa vàng Tết Giáp Thìn 2024

( PHUNUTODAY ) - Trong mâm cúng hóa vàng, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị đủ các món ăn truyền thống gắn với ngày Tết như bánh chưng, canh măng, thịt gà, giò chả…

Sau 3 ngày Tết, người ta thường tổ chức một ngày gọi là lễ hoá vàng hoặc lễ tạ. Vào ngày này, con cháu sẽ chuẩn bị một mâm đồ cúng để tiễn ông bà, gia tiên. 

Bánh chưng hoặc bánh tét

Nếu như người miền Bắc chọn bày bánh chưng thì người miền Nam sẽ sử dụng bánh Tết cho mâm cúng hoá vàng. Bánh chưng hay bánh tét thường được làm từ gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh rồi gói lại bằng lá dong, lá chuối. Theo người xưa, bánh chưng chính là biểu tượng cho sự vuông tròn của trời đất.

Khi ăn bánh chưng hoặc bánh tét, bạn sẽ cảm nhận được lớp vỏ ngoài mềm thơm từ gạo nếp kết hợp với đậu xanh bùi bùi và thịt mỡ đậm đà, béo ngậy. Để bánh chưng, bánh tét có màu xanh đẹp mắt, bạn nên giã lá riềng rồi lọc lấy nước và trộn cùng gạo nếp.

Gà trống luộc

Từ trước đến nay, mâm cỗ cúng của các gia đình Việt đều có món thịt gà luộc. Những con gà làm lễ thường là loại gà trống, có mào đỏ chân vàng và lông bóng mượt. Sau khi làm sạch sẽ, người ta sẽ mang chúng đi luộc chín rồi bày ra đĩa.

Tuỳ vào sở thích, nhiều người còn chọn buộc cá cánh tiên để giúp tạo thế gà cho đẹp mắt hơn hoặc cài thêm cành hoa hồng, hoa tỉa từ ớt. Bí quyết để gà luộc có lớp da vàng óng, bóng đẹp, bạn có thể cho bột nghệ vào nước rồi chờ đến khi nước ấm thì cho gà vào luộc chín. Khi thịt gà sôi khoảng 10 phút thì có thể tắt bếp và ủ thêm từ 10 đến 15 phút tuỳ thuộc vào cân nặng con gà. Tiếp đó, vớt gà luộc ra và để nguội rồi bày ra đĩa.

Nem rán/ Chả giò

Sẽ không quá lời nếu nói nem rán hay chả giò chính là món ăn thường xuyên xuất hiện trong mâm cúng ngày Tết, nhất là lễ hoá vàng. Theo thói quen, người miền Bắc thường chuẩn bị món nem rán với phần nhân làm từ thịt xay, rau củ, mộc nhĩ, mùi, hành, hạt tiêu xay… Còn với người miền Nam, người ta thường làm chả giò với phần nhân từ khoai môn, ngô hoặc hải sản…

Sau khi khéo léo cuốn những chiếc nem hoặc chà giò vừa ăn, bạn có thể mang chúng đi chiên vàng giòn rồi chấm với nước mắm chua ngọt.

Canh măng

Người miền Bắc thường dùng măng khô để nấu canh măng. Trong khi đó, người miền Nam lại thích sử dụng măng tươi hơn. Để món ăn ngon và bổ dưỡng hơn, bạn có thể nấu canh măng cùng với xương sườn hoặc giò heo.

Tuy nhiên, bạn nên ngâm măng khô khoảng 1 ngày và kiểm tra xem măng đã mềm chưa thì rửa sạch và thái nhỏ rồi mới nấu canh.

Hành muối/ Củ kiệu muối

Cũng giống như bánh chưng, bánh tét, hành muối hay củ kiệu muối chính là một trong những món ăn không thể “vắng mặt" trong mâm cỗ Tết. Vị chua dịu, thanh mát của món ăn này sẽ giúp giải ngấy hiệu quả. Vì hành muối cần thời gian để chua nên bạn có thể muối sớm. Tuy nhiên, không nên muối quá lâu để tránh làm hành bị chua. Sau khi ngâm khoảng 5 ngày, bạn có thể bỏ hành muối vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.

Tác giả: Minh Thu