Theo luật nhân quả, ân oán là nợ nần giữa con người không tự dưng mất đi mà sẽ được “thanh toán” ở kiếp sau, nếu không nợ nghiệp sẽ ngày một nặng và bất kỳ sự can thiệp nào đều gây ra điều tồi tệ hơn.
Nợ tiền duyên là gì?
TIỀN DUYÊN là mối nhân duyên tình cảm giữa người còn sống và người ở thế giới bên kia từ những kiếp trước vẫn còn ảnh hưởng đến bây giờ. Hoặc ở kiếp trước “họ” và bạn có những mối lương duyên nào đó nhưng không đến được với nhau. Sau khi mất, nếu “họ” chưa thể siêu thoát được vì còn vấn vương sâu đậm tình duyên hoặc vì một lý do nào thì họ sẽ lang thang tìm bạn, gặp được rồi họ sẽ theo bạn đến cùng.
Một người mà trong tiền kiếp xa xưa đã từng lấy vợ (hoặc lấy chồng), có hôn thú, có chứng kiến của bà con hàng xóm, họ hàng nội ngoại, có cúng lễ tổ tiên khi vu quy, nếu vì một lý do nào đó mà người chồng hoặc người vợ phải chầu tiên tổ khi tuổi đời còn trẻ, thì vong linh đó không thể nào siêu thoát, tái sinh luân hồi được vì còn nhiều vướng bận nơi cõi trần, tâm thức không thể nào thanh thản mà tu tập tiến hóa được.
Một người thì được luân hồi chuyển kiếp tái sinh, còn người kia với mối hận sầu buồn phiền trong lòng không thể có cách nào hóa giải thì vong hồn luôn dõi theo, đeo bám cái mối lương duyên dở dang của mình. Bởi vậy khi biết có duyên âm đeo bám thì người ta làm lễ TRẢ NỢ TIỀN DUYÊN, ngay cả sớ cũng ghi rõ là LỄ TIỀN DUYÊN chứ không ghi cắt tiền duyên. Trong lòng sớ thì có nội dung …“Cắt đoạn phu thê quyến luyến”… chứ không có chữ Cắt tiền duyên.
Đức Phật từng giảng cho đệ tử của mình về luật nhân quả khi con người ắt phải hoàn trả ân oán kiếp trước. Một hôm nọ Ngài cùng đệ tử đi khất thực, thì gặp cảnh tượng rất khó coi: Một người phụ nữ đang ra sức đánh đứa trẻ mới vài tuổi ngay giữa đường. Đứa trẻ bị đánh khóc lóc rất thảm thiết, nhưng người mẹ vẫn không dừng tay đánh nó. Một đệ tử của Đức Phật thấy không đành lòng đã tự động rời đoàn và tới hỏi han. Hóa ra đứa trẻ là con ruột của người phụ nữ kia, và bị mẹ đánh phạt vì không ăn cơm mà nhè đổ hết ra đất. Và điều này xảy ra hàng ngày, bởi người mẹ cảm thấy rất tức giận, cho rằng con hư cần phải dạy nghiêm. Đệ tử thấy vậy cảm thấy rất bất bình bèn có lời khuyên can. Tuy nhiên người mẹ đang trong cơn giận dữ đó coi như không nghe được gì mà tiếp tục đánh con mình.
Đệ tử thấy vậy vội trở về đoàn và thưa với Đức Phật, xin Ngài tới dùng uy đức để phân xử mà cứu lấy đứa bé khỏi đòn roi và sự chửi mắng gay gắt của mẹ.
Đức Phật nghe xong liền mỉm cười và chậm rãi nói: Những gì con đang chứng kiến chỉ là vẻ bề ngoài, con có biết thực hư quan hệ của họ ra sao không?
Đệ tử cùng các đệ tử khác đều trả lời rằng không và xin Ngài chỉ giáo. Đức Phật từ tốn đáp: “Vạn vật vạn sự đều có căn nguyên mà nên. Kiếp này hai người kia là mẹ con ruột, nhưng kiếp trước không phải vậy. Kiếp trước họ có nghiệt duyên. Người mẹ đang đánh mắng con kiếp trước là một cô bé, còn đứa trẻ đang bị đánh mắng là một người phụ nữ rất ghê gớm và là mẹ kế của cô bé nhỏ tuổi này. Mẹ kế không ngày nào không hành hạ con riêng của chồng, trong khi cha ruột cô bé đi làm xa. Cô bé luôn bị bỏ đói, bị đánh chửi từ khi còn nhỏ cho tới lớn. Đây chính là nghiệt duyên của họ theo luật nhân quả. Người mẹ kế này bởi thế mà kiếp sau phải trả cái nợ kiếp trước, đầu thai làm con của cô bé này-chính là người phụ nữ đang đánh mắng con của bà ta. Vì kiếp trước bỏ đói và ngược đãi con chồng, kiếp này ăn không ngon luôn bị nôn trớ, không những không được mẹ dỗ dành mà còn bị ngược đãi trở lại. Đó là cái nợ họ cần trả. Nếu bây giờ chúng ta can thiệp, nợ nần tiền kiếp của họ không được thanh toán, đến kiếp sau sẽ còn tệ hại hơn. Và cũng khó mà can thiệp được, tốt nhất hãy để tự nhiên”.
Các đệ tử nghe lời dạy của Đức Phật xong đều giật mình ngộ ra và thôi không bận tâm nữa, tiếp tục lên đường khất thực.
Cũng như việc vợ chồng đến với nhau kiếp này là do nợ kiếp, sống được hạnh phúc hay đau khổ cùng do chính mình tu.
Nếu lượng đức của bạn lớn và lượng nghiệp của bạn ít thì đời này bạn có thể có một cuộc sống tương đối hạnh phúc và ngược lại, nếu đức của bạn ít và lượng nghiệp của bạn nhiều thì bạn sẽ gặp khó khăn, khó khăn đến từ công việc, từ sức khỏe hay từ mối quan hệ tình cảm giữa vợ chồng, con cái và các mối quan hệ xã hội khác.
Nếu vợ chồng bạn sống bình yên bên nhau, hẳn là các kiếp trước hai bạn có thiện duyên với nhau, người này đã làm những việc tốt cho người kia và ngược lại. Nếu vợ chồng bạn đời này thường xuyên xung đột với nhau, người chồng hay lấn át, bắt nạt vợ hoặc ngược lại, thì đó là do trong kiếp trước một trong hai bạn đã gây ác duyên với người kia, và đến kiếp này thì hoán đổi lại.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang