Có rất nhiều sai lầm mọi người hay mắc phải khi giải rượu cho người uống rượu say. Điều này dễ gây hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Uống thuốc giảm đau đầu
Trước thực tế không ít người có thói quen uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, ThS. Nguyên cho biết, điều này dễ có hại cho gan. Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.
Ngoài ra, khi say cũng lưu ý không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
Uống thuốc bổ gan để giải độc rượu
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mọi người không nên cố săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không có một loại thuốc giải độc nào chống được say rượu chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu khi uống vào tỉnh trở lại là không có.
Để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tác dụng phụ của rượu, khi uống rượu, mọi người cần ăn trước lót dạ dày. Người có bệnh về gan mật, huyết áp, tim... cần thận trọng khi uống rượu. Theo khuyến cáo, với nam giới, lượng rượu nên uống một ngày không quá 50ml loại rượu 39-40 độ, bia không quá 400ml. Còn nữ giới, lượng chỉ 1/2 của nam giới.
Chú ý: Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, cần phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và nằm nghiêng sang một bên.
Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải có tác dụng dẫn lưu đờm giãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân nôn. Tư thế này còn gọi là tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết.
Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng không biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.
Tác giả: Ngọc Lê