Tại sao người Nhật thích ngủ dưới đất hơn ngủ trên giường? Lý do khiến bạn muốn học theo ngay

( PHUNUTODAY ) - Vì lý do gì mà người Nhật thường thích ngủ dưới đất thay vì ngủ ở trên giường, hãy cùng tìm hiểu.

Nhật Bản là đất nước có nền văn minh tiên tiến vượt bậc, những phát minh của họ thường "đi vượt thời gian" và mang tính ứng  dụng rất cao. Nền văn hóa Nhật cũng đa dạng, phong phú và có những tập tục kỳ lạ. Trong đó, nhiều người thắc mắc vì sao người Nhật thường thích ngủ dưới đất thay vì ngủ trên giường.

Dưới đây là những lý do giải thích cho nếp văn hóa ngủ kỳ lạ này:

Tận dụng không gian

Nhật Bản nổi tiếng là đất nước “đất chật – người đông”. Theo như số liệu thống kê dân số thế giới cập nhật đến tháng 4/2022 thì mật độ dân số tại Nhật hiện đang là 345 người/km2 – thuộc top những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới.

Ở Nhật, người ta thường ví “tấc đất – tấc vàng”, giá đất ở đây thường rất cao, đặc biệt là tại thành phố lớn. Vì vậy, các ngôi nhà ở Nhật Bản thường có diện tích khá nhỏ và luôn được thiết kế để tận dụng không gian.

Đối với giường ngủ cũng vậy, người Nhật cho rằng giường ngủ là không cần thiết vì sẽ chiếm khá nhiều diện tích. Bởi vậy họ thường lựa chọn tận dụng sàn nhà thay cho giường ngủ. Ban ngày có thể là phòng khách, phòng đọc sách nhưng đến tối có thể trở thành phòng ngủ.

Bằng cách này, người Nhật có thể tận dụng tối đa không gian nhỏ hẹp mà vẫn tạo cảm giác thoải mái, không bị chật – bí.

Đảm bảo an toàn

Nhật Bản vốn là đất nước có nhiều trận động đất. Do đó, người Nhật cũng phải chuẩn bị kỹ càng nhất cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Sống ở quốc đảo này, việc cảm nhận động đất kịp thời và thoát thân là điều rất quan trọng. Để phản ứng kịp với động đất, người Nhật nằm trên sàn nhà để cảm nhận rõ được rung chấn nếu xảy ra hiểm họa và nhanh chóng tìm đến nơi an toàn hơn. Nếu ngủ trên giường, cảm giác này sẽ chậm hơn nhiều.

Hơn nữa, nếu trong nhà ít đồ đạc, họ có thể thoát thân nhanh chóng khi xảy ra động đất.

Đảm bảo an toàn cho trẻ

Người Nhật cũng cho rằng việc nằm trên sàn sẽ an toàn hơn đối với trẻ nhỏ. Lý do là vì, khi sử dụng giường ngủ, nếu ba mẹ không để ý, em bé có thể lăn khỏi giường, ngã hoặc và vào thành giường.

Trong khi đó, cho các bé nằm sàn sẽ tránh được những tình huống này, bé sẽ thoải máy, lăn – bò mà không lo bị ngã.

Tốt cho sức khỏe

Nhiều người Nhật cho rằng nếu nằm trên giường quá mềm sẽ không tốt cho xương khớp. Tốt nhất nên ngủ trên giường có độ đàn hồi vừa phải, không quá cứng hoặc quá mềm. Theo họ, ngủ trên một bề mặt phẳng, cứng sẽ tốt cho lưng, đồng thời sẽ giúp tăng cường lưu lượng máu, vì trọng lượng của bạn được phân bổ đều và ít áp lực hơn lên các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Trong khi đó, ngủ trên một chiếc giường mềm dù bạn sẽ cảm thấy thoải mái, nhưng nệm có thể bắt đầu lún xuống theo thời gian, khiến cột sống của bạn bị cong và dẫn đến đau lưng. Bên cạnh đó, việc ngủ ở sàn sẽ giảm nguy cơ bị ngã với người già khi đang nằm trên giường và muốn di chuyển xuống đất.

Người Nhật không chỉ nằm trên sàn gỗ, họ còn ngủ trên chiếc chiếu tatami hay đệm. Chiếu tatami được làm từ rơm khô đan ép chặt với nhau để tăng đàn hồi và tạo cảm giác êm ái. Bên cạnh đó, đệm ở Nhật không quá dày, gối cũng khá đặc biệt với kích thước nhỏ hơn, ruột bên trong là các loại hạt. Lúc đầu, bạn sẽ cảm thấy gối khá cứng, không êm ái như các loại nhồi bông quen thuộc nhưng kiểu gối này có lợi cho cổ, gáy.

Giúp thức dậy dễ dàng hơn

Một lý do nữa khiến người Nhật chọn nằm sàn thay vì giường là vì giúp thức dậy dễ hơn.

Thường thì, chúng ta không thể dậy sớm vào buổi sáng là do chăm ấm, nệm êm và cảm giác người có chút đau mỏi (do nằm sai tư thế).

Trong khi đó, ngủ trên sàn sẽ giúp bạn có giấc ngủ chất lượng hơn và cảm giác không bị phụ thuộc vào gối – chăn mỗi sáng.

Thói quen hàng ngàn năm

Đặc biệt, lý do Tại sao người Nhật không ngủ giường là vì đây là thói quen hàng ngàn năm, được truyền từ đời này sang đời khác. Một thói quen đã ăn sâu vào tâm thức của con người thì sẽ rất khó để thay đổi.

Thậm chí, thói quen ngủ trên sàn của người Nhật còn có tên gọi riêng là “văn hóa Tatami” và được người dân sử dụng đến tận ngày nay.

Tác giả: Thạch Thảo