Tại sao trẻ 2 tuổi lại chậm nói?

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều trẻ đến 2 tuổi rồi mà vẫn chậm nói so với những đứa trẻ cùng tuổi, do đó bố mẹ các bé lo lắng. Bài viết sau sẽ giúp bố mẹ tìm ra nguyên nhân và cách can thiệp hiệu quả của bố mẹ cần biết để tốt nhất cho trẻ.

Bố mẹ cần chú ý rằng nếu trẻ từ 12 đến 24 tháng có những dấu hiệu sau như không làm được nhiều cử chỉ khi 12 tháng tuổi, không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi…Trẻ chậm nói, có thể do có vấn đề ở cơ quan phát âm hay do sự tác động của các yếu tố tâm lý, giáo dục gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Những dấu hiệu cho thấy bé chậm nói

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ 12 đến 24 tháng, những trẻ có dấu hiệu sau cần chú ý như

Không sử dụng điệu bộ, cử chí, chẳng hạn chỉ hoặc vẫy tay bye-bye khi được 12 tháng tuổi. Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi. Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi và có khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản.

Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ. Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu. 

Những nguyên nhân khiến trẻ đến 2 tuổi mà vẫn chậm nói

Trẻ chậm nói đôi khi có thể do khiếm khuyết ở miệng, như vấn đề về lưỡi hoặc hở hàm ếch. Nếu lưỡi bị ngắn (do nếp gấp dưới lưỡi) có thể hạn chế chuyển động lưỡi khi nói. Nhiều trẻ em bị chậm phát triển ngôn ngữ do có vấn đề về răng miệng, có nghĩa là thông tin liên lạc tại các khu vực não chỉ huy vấn đề này kém hiệu quả.

Vấn đề trục trặc trong khả năng nghe cũng thường có liên quan đến việc chậm nói, đó là lý do trẻ nên được bác sĩ tai mũi họng kiểm tra khi có vấn đề về nói. Nhiễm trùng tai, đặc biệt là nhiễm trùng mãn tính, có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe. Trẻ khó nghe cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, trẻ chậm nói có thể do tâm lý. Nguyên nhân tâm lý là do gia đình hoặc quá cưng chiều, hay bỏ bê trẻ, hoặc đã xảy ra một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Những việc cha mẹ cần làm để phát triển khả năng nói của trẻ

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cách hữu hiệu nhất là bố mẹ hay những người thường xuyên tiếp xúc với bé cần nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ tập trung vào bạn, vào đồ vật nào đó mà bạn muốn nói đến. Nên nói đến những vật có trước mặt, hay những điều đang xảy ra. Không ép trẻ phải nói nhưng nhớ đưa ra lời khen khi trẻ tập nói. 

Bố mà và người thân nên dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Cách tốt nhất là dạy trẻ nói dựa theo những tình huống xảy ra hàng ngày, tạo nhiều tình huống khác nhau khi nói về một từ nào đó. Tập cho con bạn biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt.

Không nên cho trẻ xem ti vi quá nhiều, cần kiểm soát thời gian và chương trình ti vi. Cha mẹ nên cùng xem với trẻ các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

Đối với những ông bố, bà mẹ thông thái nên xác định xem con mình chậm nói ở mức độ nào. Bố mẹ nên đưa con đi khám ở nhiều nơi, đọc các tài liệu, dự hội thảo, làm quen các phụ huynh cũng có con nói chậm … Nên xác định con đang chậm so với trẻ cùng tuổi ở mức độ nào và từ đó phác ra một sơ đồ các mục tiêu cần dạy cho con.

Sử dụng các tình huống hàng ngày để tăng cường ngôn ngữ và lời nói của trẻ. Ví dụ, chỉ tên các loại thực phẩm tại cửa hàng tạp hóa, giải thích những việc bạn đang làm như nấu một bữa ăn hoặc quét nhà, lau nhà, chỉ tên các đồ vật xung quanh nhà, và khi bạn lái xe, chỉ ra âm thanh bạn nghe.

Tác giả: Hồ Thị Huyền Trang