Tiểu tiện có màu lạ sau quan hệ
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận cho một trường hợp bệnh nhân nữ bị tiểu ra màu đỏ (máu) do viêm bàng quang cấp sau quan hệ tình dục.
Bệnh nhân, nữ 35 tuổi, tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng đau vùng kín, tiểu ra máu và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Được biết, trước đó một ngày sức khỏe, màu nước tiểu của bệnh nhân hoàn toàn bình thường, vào đêm hôm đó, bệnh nhân có quan hệ với chồng. Ngày hôm sau tỉnh dậy bệnh nhân có biểu hiện đau vùng kín, đi tiểu xót và tiểu ra máu.
Theo bệnh nhân, từ trước đến nay chưa bao giờ xuất hiện tình trạng tiểu ra "màu lạ" vậy.
Ths.BS Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân đến viện trong tâm lý rất e ngại, ngượng ngùng. Qua thăm khám nữ bệnh nhân này mới cho biết bệnh "khó nói", đó là đi tiểu xót và ra máu đỏ.
Qua thăm khám lâm sàng, kết quả siêu âm và tổng phân tích nước tiểu, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm bàng quang nặng.
Theo bác sĩ Liên trường hợp tiểu ra máu như bệnh nhân trên không phải là hiếm gặp. Trước đó, bác sĩ cũng gặp và điều trị cho một nữ bệnh nhân đã lớn tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội cũng bị tiểu ra máu tương tự như bệnh nhân trên.
Bệnh nhân cũng quan hệ với chồng sau đó xuất hiện tình trạng đái ra máu. Nhưng bệnh nhân không đi khám, đến khi tình trạng ngày càng nặng thêm mới nhờ đến sự tư vấn và can thiệp của bác sĩ.
Do tình trạng viêm bàng quang nặng, bác sĩ đã phải tiến hành rửa bàng quang, đồng thời điều trị bằng kháng sinh.
"Nguyên nhân đái ra máu có thể do người phụ nữ đang bị viêm nhiễm nhưng vẫn quan hệ tình dục mà không đeo bao cao su, hoặc cũng có thể do quan hệ tình dục quá thô bạo gây nên", bác sĩ Liên nói.
Hiện nay, việc điều trị đái máu không có gì khó khăn. Để phòng bệnh nên đeo bao cao su khi quan hệ tình dục nếu bị viêm nhiễm vùng kín, không quan hệ tình dục quá thô bạo.
Những thay đổi bất thường khác của nước tiểu
Nước tiểu có bọt: Nếu nước tiểu của bạn màu vàng sậm, nổi bong bóng hoặc nhiều bọt, khó tan, thì lúc này cơ thể của bạn đang dư thừa protein. Đây cũng là biểu hiện của bệnh viêm thận thời kỳ đầu hoặc viêm tiền liệt tuyến.
Nước tiểu màu hồng hoặc đỏ: Đây có thể là dấu hiệu bạn bị thiếu sát, nhiễm trùng, nhiễm độc thủy ngân. Nếu trong nước tiểu có kèm máu đỏ thì bạn đã bị viêm nhiễm niệu đạo. Nếu nước tiểu có máu, đồng thời bạn bị đau vùng eo hoặc lưng, có người đau bụng từng cơn thì rất có thể đã bị sỏi thận. Lúc này, cần đi khám bác sĩ kịp thời.Nước tiểu vàng sẫm: Khi nước tiểu có màu vàng sẫm rất có thể vi khuẩn, virus đã xâm nhập và gây tổn thương đường tiết niệu. Một biểu hiện nữa của nhiễm trùng đường tiết niệu là đau, nóng rát khi bạn đi tiểu.
Nước tiểu chuyển màu vàng như nước trà đặc trong một thời gian dài, bạn cần tới bác sĩ để xác định xem cơ thể đang gặp phải chuyện gì. Nếu nước tiểu vàng sẫm đi kèm với các triệu chứng vàng da, mệt mỏi, đau bụng trên thì bạn đã bị mắc bệnh viêm gan.
Nước tiểu trắng như màu nước gạo: Đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh, ví dụ viêm niệu đạo do lậu, chlamydia, tiểu dưỡng chấp hay tiểu phosphate.
Nếu là bị viêm niệu đạo do lậu, chlamydia, ngoài biểu hiện nước tiểu có màu trắng đục, bệnh nhân còn bị tiểu gắt buốt, đau lưng, sốt, tiểu có mủ. Trường hợp này cần sớm đến gặp bác sĩ.
Tác giả: Mộc
-
Tình hình Covid-19: Chuyên gia dịch tễ học dự báo dịch sẽ kéo dài ít nhất tới tháng 6 và điều cần làm ngay
-
Uống nước ép việt quất mỗi ngày giúp tăng sức đề kháng, tốt cho hệ hô hấp
-
Cách bảo vệ bản thân khi đi tàu xe, máy bay trong mùa dịch Covid-19
-
Lợi ích bất ngờ từ trái đu đủ với sức khỏe và vóc dáng
-
1 giây nhìn tướng rốn đoán ngay tương lai giàu sang phú quý hay nghèo khó hết đời