Thời điểm F0 có thể tăng nặng dù đã xét nghiệm âm tính: Từ ngày 5-7 phải cẩn trọng dù trước đó nhẹ nhàng

( PHUNUTODAY ) - Một số F0 test nhanh âm tính chỉ sau 3,4 ngày. Tuy nhiên thực tế, 5-7 ngày mới là mốc thời gian đáng lo ngại nhất.

Một số F0 khi nhiễm bệnh thường triệu chứng rất nhẹ, không cảm thấy quá mệt mỏi. Thậm chí chỉ 3,4 ngày test nhanh đã 1 vạch. Tuy nhiên, như vậy cũng chưa thể vội mừng, vì thời gian trở nặng lại rơi vào ngày từ 5-7.

Âm tính vẫn tụt oxy máu

Chị Nguyễn Thị Mai L. 37 tuổi, Long Biên, Hà Nội chia sẻ chị mắc Covid-19 vào giữa tháng 2 vừa qua. Chị L. cho biết, mấy ngày đầu mắc, chị cũng chỉ có triệu chứng nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Chị đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin Covid-19. Đến ngày thứ 4 chị L. xét nghiệm nhanh đã âm tính, ngày thứ 5 chị xét nghiệm lại vẫn âm tính. Sau âm tính, chị L. đã nghĩ mình khỏi bệnh nên làm việc bình thường, không còn cách ly với người thân nữa.

Đến tối ngày thứ 7 từ khi có triệu chứng, chị L. bỗng nhiên có triệu chứng khó thở, người mệt lả. Chị L. còn nghĩ do đói hoặc lúc chiều có tắm nên nhờ chồng pha mật ong uống. Tuy nhiên, hơn 1 tiếng vẫn khó thở. Chồng chị chạy sang hàng xóm mượn máy đo 2 về đo thì bất ngờ khi nồng độ oxy máu của chị L chỉ còn 92 %.

Hai vợ chồng chị L. vội vàng vào một bệnh viện tư để cấp cứu. Khi vào viện, chị L, đã được đưa vào phòng thở oxy với HFNC.

Vậy đâu là thời gian an toàn?

Theo Thạc sĩ, BS Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội việc xét nghiệm 3 – 4 ngày âm tính không nói lên điều gì. Âm tính hay vạch test mờ - đậm cũng không phản ánh bạn có bệnh nặng hay không.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì F0 cần cách ly tuyệt đối 7 ngày và vẫn cần theo dõi thêm trong 10 ngày dù đã âm tính vì thời gian bệnh diễn biến nặng hay còn gọi thời gian bản lề xảy ra các phản ứng viêm là từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 kể từ khi có triệu chứng. Vì vậy, 3, 4 ngày âm tính cũng không thể coi là khỏi bệnh.

Hai điều kiện coi là khỏi bệnh bao gồm âm tính và cách ly tự theo dõi trong vòng 7 – 10 ngày. F0 sau 10 ngày mới có thể an toàn không lo biến chứng suy hô hấp.

GS Ngô Quý Châu – Nguyên Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Hà Nội cũng cho rằng F0 có người vài ngày xét nghiệm đã âm tính, cũng có người dương tính kéo dài. Cũng có trường hợp dù xét nghiệm đã âm tính nhưng không hồi phục ngay mà âm thầm diễn biến sang giai đoạn toàn phát hoặc có biến chứng.

Các F0 bị nhẹ, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, sau 4,5 ngày có xét nghiệm âm tính, các triệu chứng như sốt, ho, đau họng... đã thoái lui và cho rằng mình đã khỏi bệnh là không đúng. Nhiều F0 xuất hiện tâm lý chủ quan, nghĩ rằng âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Do đó, người bệnh bỏ hết việc theo dõi sức khỏe và đo chỉ số SpO2, điều này có thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ.

GS Châu cho biết, chỉ số SpO2 là chỉ số rất quan trọng nhằm phát hiện suy hô hấp, tổn thương phổi, thiếu oxy thầm lặng.

F0 chuyển âm tính hay vẫn dương tính không hoàn toàn liên quan đến mức độ nặng - nhẹ của bệnh. Độ nặng - nhẹ của bệnh liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với virus.

Nếu cơ thể đáp ứng miễn dịch phù hợp, giúp loại bỏ virus thì các triệu chứng nhẹ thoái lui, F0 sẽ khỏi bệnh sau 5-7 ngày.

Nếu đáp ứng miễn dịch rối loạn, cơ thể sẽ có phản ứng quá mức gây bão cytokines và từ đó gây tổn thương các phủ tạng. Khi đó, bệnh nhân có thể diễn biến nặng lên. Nếu bão cytokines và các rối loạn của nó không được kiểm soát, các phủ tạng bị tổn thương không được hồi sức hiệu quả có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.

Để tránh nguy hiểm cho sức khoẻ của mình, GS Châu cho biết F0 cần quan tâm, theo dõi việc có xuất hiện tổn thương phổi gây suy hô hấp hay không bằng đếm nhịp thở, đo SpO2. Khi đo nếu thấy spO2 < 96% thì cần thực hiện đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, giữ nguyên vị trí đo. Chỉ số SpO2 trong máu bình thường là 98-100%. F0 khi có chỉ số SpO2 < 96% sẽ cần liên hệ với cơ sở y tế để được hỗ trợ.

F0 chỉ thực sự an tâm đã khỏi bệnh nếu sau ngày thứ 10 không xuất hiện dấu hiệu nặng lên.

Người bệnh cần ăn đủ các nhóm chất đạm, vitamin, chất khoáng, bột đường, chất béo... Nên ăn cháo loãng, uống đủ nước để bù lượng nước mất trong lúc sốt. Có thể dùng mật ong kết hợp với gừng, sả, chanh... để làm giảm cơn ho hữu hiệu. Uống từng ngụm nước ấm, tránh để khô họng.

Tác giả: Thạch Thảo