Thu nhập trung bình vẫn sống sung túc nhờ 8 mẹo tiết kiệm ai cũng làm được

( PHUNUTODAY ) - Không phải cứ làm ra nhiều tiền mới có tiền tiết kiệm. Với những mẹo này bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm tiền, rất đơn giản và hiệu quả.

Ghi chép lại chi tiêu

Trước hết bạn cần xem xét lại mình đang chi tiêu như thế nào. Cách làm là theo dõi các khoản chi từ các hóa đơn siêu thị cho tới ly nước, bó hoa,…

Có nhiều cách để bạn ghi chép lại chi tiêu, chẳng hạn dùng sổ tay hay tiện dụng hơn là dùng ứng dụng công nghệ. Khi đã có dữ liệu cần thiết, bạn hãy sắp xếp các con số theo danh mục và đảm bảo rằng bạn không bỏ lỡ khoản chi nào.

Đưa tiết kiệm vào ngân sách

Sau khi biết mình chi tiêu thế nào trong tháng, giờ là lúc bạn bắt đầu tạo ngân sách. Bạn nên thể hiện các khoản chi trong ngân sách sao cho phù hợp với thu nhập, lên kế hoạch, thực hiện theo nó và hạn chế bội chi.

Hãy tính đến cả những khoản chi không xuất hiện mỗi tháng nhưng cần có, chẳng hạn như bảo dưỡng xe,…

Và cũng đừng quên thêm danh mục tiết kiệm vào ngân sách. Hãy chọn một số tiết kiệm ban đầu mà bạn cảm thấy phù hợp, thoải mái. Con số tiết kiệm này sẽ tăng dần lên có thể là 15%, 20% thu nhập tùy theo kế hoạch của bạn.

Tìm cách cắt giảm chi tiêu

Từ việc ghi chép lại chi tiêu, bạn có thể biết được mình có thể cắt giảm khoản chi nào. Chẳng hạn như giảm bớt chi tiêu cho giải trí, ăn uống ở nhà hàng, tìm cách tiết kiệm các chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Bên cạnh đó, bạn có thể cắt giảm chi tiêu bằng cách:

- Tìm kiếm các hoạt động miễn phí hoặc chi phí thấp.

- Kiểm tra lại các khoản phí định kỳ, nhất là những khoản tự động gia hạn. Nếu không còn nhu cầu hãy hủy chúng.

- Tự mua đồ nấu ăn tại nhà. Lên kết hoạch trước cho những bữa ăn hàng để tận dụng các chương trình ưu đãi.

- Đặt ra cho mình thời gian chờ vài ngày trước khi muốn mua món đồ nào đó. Bạn có thể sẽ thấy nó không thật sự cần thiết sau vài ngày suy nghĩ và nhờ vậy bạn đỡ tốn một khoản tiền.

Đặt mục tiêu tiết kiệm

Muốn tiết kiệm hiệu quả thì bạn cần phải đặt mục tiêu rõ ràng. Có thể là mục tiêu ngắn hạn trong vòng 1 năm, 2 năm hay mục tiêu dài hạn 3-4 năm trở lên. Hãy ước tính số tiền bạn cần và có thể mất bao lâu để tiết kiệm.

Một số mục tiêu ngắn hạn phổ biến là quỹ khẩn cấp, du lịch, khoản trả trước cho một chiếc xe,… Một số mục tiêu dài hạn như nghỉ hưu, giáo dục cho con,…

Bạn có thể chia nhỏ các mục tiêu để thực hiện hiệu quả hơn. Mỗi khi đạt được những mục tiêu nhỏ này, hãy tận hưởng cảm giác chiến thắng. Nó sẽ thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu lớn hơn.

Xác định các ưu tiên tài chính của bạn

Việc phân bổ tiền tiết kiệm như thế nào sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn muốn mua ô tô hay đổi xe trong thời gian tới thì bạn sẽ có động lực tiết kiệm hơn. Thay vì trì hoãn thì hãy lập kế hoạch cho mục tiêu dài hạn. Hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu tiết kiệm, bạn có thể biết rõ hơn cách phân bổ tiền tiết hợp cho hợp lý.

Chọn công cụ phù hợp

Tùy vào từng mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn mà bạn nên có nhiều tài khoản tiết kiệm và đầu tư phù hợp. Bạn cần xem xét cẩn thận tất cả các lựa chọn và cân nhắc số dư tối thiểu, phí, lãi suất, rủi ro cũng như thời gian bạn cần đến số tiền đó để có thể chọn được kênh phù hợp nhất với từng mục tiêu của mình.

Tự động tiết kiệm

Thay vì tiêu xong còn bao nhiêu mới tiết kiệm thì bạn hãy tiết kiệm trước rồi chi tiêu trong khoản tiền còn lại.

Phần lớn các ngân hàng ngày nay đều cung cấp dịch vụ chuyển khoản tự động vào tài khoản tiết kiệm. Bạn có thể đặt ra một tỷ lệ phù hợp với bản thân và gửi tiết kiệm ngay khi có thu nhập phát sinh. Với cách này, bạn sẽ hạn chế được việc lúc nhớ, lúc quên. Từ đó, hiệu quả tiết kiệm sẽ tăng lên đáng kể.

Xem khoản tiết kiệm của bạn tăng lên dần

Kiểm tra ngân sách và tiến độ thực hiện là việc bạn nên làm mỗi tháng. Nó không chỉ giúp bạn bám sát kế hoạch tiết kiệm cá nhân mà còn xác định vấn đề khi mới phát sinh, từ đó nhanh chóng khắc phục. Việc nhìn thấy thành quả của mình lớn dần sẽ cho bạn động lực lớn hơn và nghĩ ra nhiều cách tiết kiệm tốt hơn nữa.

Tác giả: Trần Thu Thủy