Căn cước công dân (CCCD) là một là một trong những loại giấy tờ tùy thân chính của công dân Việt Nam. Đây là hình thức mới của giấy chứng minh nhân dân, bắt đầu cấp phát và có hiệu lực từ năm 2016. Hầu hết, hiện nay người dân đều đang sở hữu CCCD gắn chip. Trong thời gian tới CCCD gắn chip có thể sẽ có thêm những quy định mới gì?
Theo Dự thảo Báo cáo tổng kết Luật CCCD của Bộ Công an, trên cơ sở rà soát Luật CCCD, Bộ Công an đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tới CCCD gắn chip như sau:
1. Thêm nhiều loại giấy tờ được tích hợp vào thẻ CCCD gắn chip
Bộ Công an chủ trương, tích hợp qua chíp điện tử và mã QR code của thẻ CCCD gắn chip thêm nhiều loại quy định để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Các loại giấy tờ dự định được tích hợp trên thẻ CCCD bao gồm thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, đăng ký sở hữu phương tiện, giấy phép lái xe, thẻ cán bộ, công chức, viên chức, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hành nghề, văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ khác.
Trên thực tế, chủ trương tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe trên thẻ CCCD gắn chip đã có từ lâu và nhưng vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin;...
2. Bổ sung trên Căn cước một số nhóm thông tin sinh trắc học
Hiện nay, dữ liệu của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD mới chỉ thu thập các nhóm thông tin về nhân thân như họ, tên, năm sinh, dấu vân tay. Dự kiến trên CCCD gắn chip sẽ có thêm một số nhóm thông tin sinh trắc học, bao gồm mống mắt, ADN, giọng nói.
Như vậy, ngoài các thông tin đã được khẩn trương tích hợp như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội… thì CCCD chip sẽ có thêm thông tin về ADN và giọng nói. Trước thông tin này, nhiều người cho rằng nếu như thông tin ADN được tích hợp trên căn cước có thể sẽ phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống tội phạm của cơ quan điều tra.
3. Cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi
Theo Dự thảo, đối với trẻ em mới sinh việc thực hiện cấp thẻ CCCD được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh. Nếu quy định này được thực thi, sẽ có khoảng 20 triệu trẻ em dưới 14 tuổi được cấp thẻ CCCD gắn chip, thay vì chỉ cấp cho những người từ đủ 14 tuổi như hiện nay.
Việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi được cho là phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia như Argentina, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha, Thái Lan… có quy định về việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi. Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất cấp CCCD gắn chip cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Đây là những trường hợp người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên.
Bộ Công an cho biết sẽ bổ sung những quy định để giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ CCCD cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác, như ngày, tháng sinh, quê quán hoặc có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Cách nhớ số CCCD gắn chip, "não cá vàng" đến đâu cũng thuộc làu
-
CCCD gắn chip và 3 lầm tưởng khiến nhiều mất thời gian đăng ký, đổi thẻ
-
2 điều cần làm ngay trước khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị ‘khai tử’ vào cuối năm 2022
-
Mẹo nhớ số Căn cước công dân gắn chip cực dễ cho người hay quên
-
Những việc cần làm sau khi nhận CCCD gắn chíp: Ai cũng cần làm ngay