Trường đại học “cổ” nhất Việt Nam, đầu vào 9 điểm/môn chưa chắc đỗ: Ra trường được săn đón, lương cao chót vót

( PHUNUTODAY ) - Đây là trường đại học “cổ” nhất Việt Nam với điểm đầu vào cao ngất ngưởng, thi đầu vào 9 điểm/môn chưa chắc đỗ.

Khi nhắc đến các trường đại học khối sức khoẻ, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến trường Đại học Y Hà Nội. Đây là trường đại học “cổ” nhất Việt Nam với điểm đầu vào cao ngất ngưởng, thi đầu vào 9 điểm/môn chưa chắc đỗ. Hơn nữa, sinh viên phải dành cả thanh xuân để học tập và nghiên cứu mới có thể tốt nghiệp được.

Lịch sử phát triển Trường Đại học Y Hà Nội

Trường Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1902 và được xem là trường Đại học “cổ” nhất Việt Nam. Ngoài các phòng thực hành, trường có cả bệnh viện là cơ sở thực nghiệm để sinh viên phát triển năng lực chuyên môn trong hơn 6 năm học tập.

Tọa lạc tại phố Tôn Thất Tùng, Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), trường Đại học Y Hà Nội (HMU) là trường đào tạo chuyên ngành Y - Dược tại Việt Nam. Trường được thành lập năm 1902 và là trường đại học có bề dày lịch sử lớn nhất còn hoạt động ở Việt Nam. Trước đại học Y Hà Nội, nước ta chỉ có trường đại học Quốc Tử Giám được thành lập từ năm 1076 và hiện nơi này đã trở thành khu di tích.

Được biết, trường có tên sơ khai là trường Y Đông Dương. Hiệu trưởng đầu tiên là bác sĩ Alexandre Yersin, được quản lý bởi trường Đại học Paris của Pháp.

Sau cách mạng tháng 8 thành công, trường được đổi tên thành trường Đại học Y Dược. Đến năm 1961, trường tách ra thành Đại học Dược Hà Nội và Đại học Y Hà Nội. Theo quyết định năm 2014, phân hiệu trường đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa được thành lập.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường đại học cổ nhất Việt Nam

Trải qua thời gian dài phát triển, trường đại học Y Hà Nội hiện có tổng diện tích đất khoảng 10,7 ha với 3,6 ha phục vụ khám chữa bệnh và 5,1 ha phục vụ cho việc đào tạo.

Về đào tạo, đại học Y Hà Nội đã và đang được đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm thực hành kỹ năng tiền lâm sàng, phòng mô hình thực hành điều dưỡng…với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để học viên, sinh viên tiếp cận phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học.

Đồng thời với thế mạnh của mình, bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã được phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 2007, đây là cơ sở thực nghiệm của trường tạo điều kiện cho sinh viên phát triển năng lực chuyên môn. Đồng thời còn là cơ sở y tế khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Không chỉ đầu tư cho các trang thiết bị thí nghiệm, thực hành đại học Y Hà Nội đã đầu tư thêm nhà thi đấu thể thao đa năng, sân bóng đá, bóng rổ…Sinh viên có thể rèn luyện, học tập, vui chơi, giải trí các môn thể thao ngay trong chính khuôn viên trường. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và học tập, đại học Y Hà Nội cũng đã có ký túc xá 15 tầng với hơn 2.000 chỗ ở cho sinh viên, học viên.

Tính đến hiện tại, đại học Y Hà Nội đã đào tạo được trên 35.000 bác sĩ y khoa, cử nhân y khoa, cử nhân điều dưỡng và trên 25.000 cán bộ y tế có trình độ sau đại học: Tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II.

Hiện tại, quy mô đào tạo của trường trên 6.000 sinh viên. Trong đó, năm 2023, trường đại học Y Hà Nội tuyển hơn 1.300 chỉ tiêu, điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động từ 19 đến 27,73. Ngành cao điểm nhất là Y Đa Khoa, có thời gian đào tạo 6 năm. Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân thường mất thêm 2 năm để học bác sĩ nội trú.

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nhiều lựa chọn sự nghiệp. Họ có thể làm việc ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập hoặc tư nhân, trạm y tế cấp phường, xã, và trung tâm y tế. Ngoài ra, họ có thể tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, Trung cấp.

Sinh viên cũng có thể có cơ hội học lên bậc cao hơn, tham gia chương trình bác sĩ nội trú tại trường và có thể hợp tác với các cơ sở đào tạo khác. Sự linh hoạt này giúp họ phát triển sự nghiệp đa dạng và ý nghĩa, đồng thời góp phần vào sự phát triển của ngành y khoa.

Tác giả: Vũ Thêm