Những sai lầm khi chăm sóc rốn cho trẻ mới sinh

12:45, Thứ ba 18/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tuy dây rốn được coi như một phần "thừa" trên cơ thể bé yêu khi đã chào đời, tuy nhiên, việc chăm sóc dây rốn lại rất quan trọng bởi nếu không cẩn thận có trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng dây rốn và như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Những sai lầm khi chăm sóc rốn cho trẻ mới sinh

Băng rốn quá chật, quá kín

Nhiều người thường nghĩ rằng, băng kín rốn giúp bảo vệ rốn. Trái lại, việc băng rốn quá kín sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển, gây nhiễm khuẩn rốn, làm rốn bị tấy đỏ, chảy mủ …

Nên để hở rốn sau khi chăm sóc rốn, quấn tã dưới rốn, chỉ phủ lớp mỏng áo lên rốn để dễ quan sát rốn, rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng, ít tạo chồi rốn.

Tự ý giật dây rốn

Khi thấy rốn của con gần rụng, chỉ còn dính một phần rất nhỏ với cuống rốn hoặc rốn con không rụng đúng ngày như dự tính, nhiều người đã tự ý giật hoặc cạy bỏ. Cách làm này có thể gây tổn thương nguy hiểm và nghiêm trọng cho bé.

Rốn là một bộ phận rất nhạy cảm. Bình thường, dây rốn của trẻ sơ sinh sẽ khô và rụng sau khoảng từ 10 đến 21 ngày. Tuy nhiên, không có cách nào để dự đoán chính xác thời điểm rụng rốn. Vì thế, giật núm rốn sớm trong khi dây rốn chưa “chín” có thể gây đau, chảy máu và nhiễm trùng cho trẻ.

Tắm và lau rửa rốn quá thường xuyên

Tắm và lau rửa rốn cho bé thường xuyên cho bé là một phương pháp chăm sóc sai lầm, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rốn lâu rụng hay viêm nhiễm rốn cho trẻ. Tuyệt đối không ngâm cuống rốn của trẻ trong khi tắm cho đến khi cuống rốn đã rụng và khô.

Tự ý bôi thuốc, chất lạ lên rốn

Tự ý bôi thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá, rắc hạt tiêu… đắp rốn với sái á phiện, phân bò lên cuống rốn bé theo kinh nghiệm thiếu khoa học từ dân gian. Những biện pháp này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn, hoặc làm trẻ chướng bụng, ngưng thở do ngộ độc á phiện, nhiễm trùng rốn sẽ nặng nề, khó điều trị và để lại di chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da.

Không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chăm sóc rốn

Rửa tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả phòng chống nhiễm trùng trong đó có nhiễm trùng sơ sinh. Vì vậy bạn nhớ rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh.

Một số biểu hiện nhiễm trùng rốn ở trẻ

Thông thường, dây rốn sẽ tự khô và rụng trong vòng từ 1 – 2 tuần. Trong thời gian rốn chưa khô rụng, nếu không được chăm sóc tốt, bộ phận này sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé, gây nhiễm khuẩn. Các nhiễm khuẩn rốn thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh gồm các loại sau:

Viêm rốn có mủ 

Các mẹ có thể phát hiện bé bị viêm rốn có mủ khi thấy những triệu chứng sau: chân rốn bé bị tấy đỏ, phù nề, có mùi hôi, luôn ẩm ướt, chảy mủ vàng và lâu rụng. Bé có thể bị sốt hoặc không, quấy khóc, không chịu bú … Nếu thấy bệnh biểu hiện nhẹ, các mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách thay băng hàng ngày cho bé, nặn hết mủ, rửa rốn bằng dung dịch oxy già, sau đó lau khô rồi rắc bột kháng sinh, dùng băng gạc vô trùng băng lại. Tuy nhiên nếu biểu hiện bệnh nặng, bé sốt cao, bỏ bú, toàn thân mệt mỏi, suy sụp … cần phải đưa bé đến ngay cơ sở y tế.

Viêm mạch máu rốn

Mạch máu rốn gồm 2 động mạch, 1 tĩnh mạch. Sau khi bé ra đời, các mạch máu rốn sẽ xẹp và xơ hóa. Quá trình này thường kéo dài 6 - 8 tuần sau khi sinh, có trường hợp đến 9 – 11 tuần. Nếu chăm sóc không tốt, vi khuẩn có thể vào các mạch máu, gây viêm nhiễm. Các động mạch này càng dễ bị viêm nhiễm hơn nếu sau khi cắt rốn, máu ở khu vực này còn tồn đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Do đó, khi  thấy thành bụng phía dưới rốn bị phù nề, tấy đỏ, mẹ vuốt thành bụng theo chiều từ xương mu lên rốn thấy mủ chảy ra, bé quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi … có thể bé đã bị viêm động mạch rốn. Ngược lại, khi vuốt thành bụng từ mỏm ức xuống rốn thấy mủ chảy ra, thành bụng phía trên rốn tấy đỏ, phù nề, bé có thể đã bị viêm tĩnh mạch rốn. Chứng viêm tĩnh mạch rốn rất nguy hiểm, vì vi khuẩn dễ lan ra các cơ quan xung quanh như gan, mật, dẫn tới nhiễm trùng huyết, vì  vậy, các mẹ cần đưa bé đến bệnh viện sớm nếu phát hiện các triệu chứng trên để được chữa trị kịp thời.

Uốn ván rốn

Đây là bệnh nguy hiểm, bởi nếu nặng, bé có thể bị co thắt do các cơ thở, dẫn đến tử vong. Khi bị uốn ván rốn, bé sẽ sốt, bỏ bú, sau đó cứng hàm, co cứng toàn thân, hai tay nắm chặt. Nếu có các tác nhân tác động như ánh sáng, âm thanh sẽ làm gia tăng thêm tình trạng co giật.

U hạt rốn

Mặc dù cuống rốn đã rụng nhưng vùng chân rốn vẫn bị rỉ dịch vàng kéo dài, bé không có dấu hiệu sốt, hoặc sưng, nóng đỏ vùng rốn. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, u hạt rốn có thể kéo dài dẫn đến nhiễm trùng rốn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy