Các bác sĩ cho biết, khi là F0, bệnh nhân sẽ có những ngày bệnh tình 'lên đỉnh', tức trở nặng và nguy hiểm nhất. Người bệnh nên tự nhận thức được thời gian nguy hiểm này và có sự chuẩn bị về tinh thần.
11 dấu hiệu F0 trở nặng
Thứ nhất, khó thở, thở hụt hơi, hoặc trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào.
Thứ hai là nhịp thở. Người lớn nhịp thở từ 21 lần trở lên mỗi phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, nhịp thở từ 40 lần trở lên một phút; Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 30 lần một phút; thì cần liên hệ y tế ngay. Lưu ý, với trẻ em, đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.
Thứ ba là chỉ số SpO2 (nếu có thể đó) ≤ 95%. Khi phát hiện bất thường, đo lại lần hai sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
Máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) giúp bệnh nhân Covid-19 phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy trong máu, để được can thiệp kịp thời khi trở nặng. Đây là thiết bị y tế phổ biến, dễ sử dụng tại gia đình, cho bất kỳ bệnh nhân nào có tình trạng hạ oxy máu, như viêm phổi do vi khuẩn, hen phế quản, hội chứng ngưng thở lúc ngủ (thường ngủ ngáy)... và viêm phổi do Covid-19.
Về nguyên lý hoạt động, khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy (máu đỏ).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, hướng dẫn, bạn mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây. Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt. SpO2 dưới 95% là dấu hiệu trở nặng, cần liên hệ y tế ngay.
Thứ 4, mạch nhanh, lớn hơn 120 nhịp một phút hoặc dưới 50 lần một phút.
Thứ 5, huyết áp thấp. Chỉ số huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
Thứ 6 là đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
Thứ 7 là thay đổi ý thức. F0 cảm thấy lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
Thứ 8, F0 thấy tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Thứ 9, dấu hiệu ở trẻ em là không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn. Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống như: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
Thứ 10, người nhiễm Covid-19 mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Cuối cùng, bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người nhiễm Covid-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.
TS.BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) - khẳng định, yếu tố quan trọng nhất trong việc theo dõi bệnh nhân COVID-19 là phát hiện được các triệu chứng lâm sàng sớm nhất thay vì chú trọng vào các mốc thời gian.
Trong thời gian đầu theo dõi các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, những yếu tố cơ bản để đánh giá dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, qua đó phát hiện triệu chứng lâm sàng bao gồm mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ ôxy trong máu. Đây là những yếu tố bệnh nhân hoàn toàn có thể tự theo dõi thông qua quan sát hay một số trang thiết bị đơn giản.
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope (California, Mỹ), Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, tỉ lệ người bệnh bị trở nặng tỉ lệ thuận với độ tuổi, tăng nguy cơ ở người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…). Nam giới bị nặng nhiều hơn nữ.
Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân COVID-19 rất cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp như máy trợ thở, máy lọc máu, thuốc đặc trị…
TS Vũ cho hay, ở từng giai đoạn dịch, dựa vào số lượng người nhiễm, khả năng của hệ thống y tế và ý thức cộng đồng, chúng ta cần linh hoạt trong việc điều trị để đạt được hiệu quả cao, an toàn nhất. Điều rất quan trọng là người dân cần thực hiện có trách nhiệm các quy định của Chính phủ, để đảm bảo lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Cách tập thở giúp f0 dễ chịu hơn
Tập hít sâu một cách nhẹ nhàng từ từ rồi thở ra bằng miệng, khi tập thở cũng chỉ nghĩ đến hơi hít vào, thở ra, không nghĩ những vấn đề khác để cơ thể thư giãn.
Bạn tập liên tục 15 phút cho mỗi lần. Tập như vậy ở nhiều tư thế: nằm ngửa, nằm nghiêng trái, nằm nghiêng phải, nằm sấp. Ví dụ tập hít sâu thở chậm ở tư thế nằm ngửa 15 phút. Sau đó, nếu không mệt, bạn tập tiếp 15 phút ở tư thế nằm nghiêng trái, nghiêng phải, nằm sấp. Nếu thấy mệt, bạn ngưng tập, khi nào khỏe lại tập tiếp.
Việc tập thở ở nhiều tư thế rất quan trọng. Khi tập thở ở nhiều tư thế giúp cải thiện vấn đề này và việc thông khí của bệnh nhân tốt hơn, giảm tổn thương các phế nang nhiều hơn. Việc tập thở nên duy trì liên tục trong thời gian mắc bệnh.
Bệnh sẽ thường trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của bệnh, từ chuyên môn hay gọi thời điểm này là thời điểm có thể xảy ra cơn bão cytokine, bệnh nhân trở nặng do chính phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Trường hợp theo dõi F0 tại nhà, thấy bệnh nhân thở nhanh trên 30 lần/phút, SpO2 tụt liên tục < 93%, gia đình gọi ngay 115 hay 1055 và các đường dây nóng của y tế địa phương để được chuyển bệnh nhân nhập viện điều trị.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Trưa 30/8 Hà Nội thêm 45 ca mắc Covid-19, ổ dịch Thanh Xuân Trung vượt 300 ca
-
Hà Nội "kiên trì thực hiện giãn cách xã hội": Ai ở đâu ở yên chỗ đó, giảm số người ra đường
-
Mẹ lịm đi vì Covid-19, con gái 'đổ nước lên người bác' để gọi dậy cứu mẹ: Bé 6 tuổi chưa biết nói
-
Chuyên gia Đại học Y Dược chỉ ra 8 nhóm F0 dễ trở nặng, cần đặc biệt quan tâm
-
Người thân cập nhật tình trạng sức khỏe của Phi Nhung sau 4 ngày điều trị Covid-19