2 bộ phận của con lợn cực kỳ giàu sắt, dưỡng huyết: Chị em muốn trẻ lâu, sông khỏe nhất định phải biết

( PHUNUTODAY ) - Bổ sung những món này là cách đơn giản để cung cấp sắt cho cơ thể, phòng ngừa thiếu máu.

Sắt là khoáng chất có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Phụ nữ thiếu sắt sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như mệt mỏi, da kém hồng hào, chóng mặt, thiếu tập trung...

Quá trình tái tạo máu và nhiều chức năng quan trọng khác của cơ thể đều cần đến sắt. Thiếu sắt là nguyên nhân dẫn tới thiếu máu. Một chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sắt trong cơ thể.

Việc bổ sung sắt cho cơ thể có thể thực hiện bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng các thực phẩm giàu sắt. Đặc biệt, có 2 bộ phận của con lợn chứa rất nhiều sắt có tác dụng bồi bổ cơ thể, phòng ngừa thiếu máu rất tốt.

2 bộ phận của con lợn rất giàu sắt

Tiết lợn

Tiết lợn là thực phẩm có nguồn dinh dưỡng phong phú. 100 gram tiết lợn có thể cung cấp 16 gram protein và 8,7mg vi chất sắt. Đây chính là thực phẩm có hàm lượng sắt dồi dào, giúp tăng lượng sắt trong cơ thể. Sắt ở tiết lợn rất dễ hấp thu. Ngoài ra, vitamin K trong tiết lợn còn có thể thúc đẩy máu đông, mang lại tác dụng cầm máu.

Phụ nữ ăn các món làm từ tiết lợn một cách hợp lý với liều lượng vừa phải có thể giúp da dẻ hồng hào, tươi trẻ hơn.

Tiết lợn là món ăn bổ dưỡng nhưng cần phải chú ý không ăn tiết lợn sống. Tiết lợn phải được nấu chín rồi mới ăn để tránh tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm sán...

Tiết lợn chứa nhiều dưỡng chất nhưng cũng có hàm lượng cholesterol cao nên cần sử dụng ở liều lượng vừa phải, không quá 2 lần/tuần. Người bị bệnh tim mạch, bệnh gút không nên sử dụng loại thực phẩm này.

Gan lợn

Gan là phần có giá trị dinh dưỡng cao, chứa rất nhiều sắt. 100 gram gan lợn có thể cung cấp 3661 microgram vitamin A, co tác dụng hỗ trợ thị lực, cải thiện hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch... Ngoài ra, gan lợn còn cung cấp vitamin B2 có vai trò duy trì, phát triển tế bào, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Vitamin B12 trong gan lợn có tác dụng hình thành các tế bào hồng cầu và DNA, giúp duy trì sức khỏe của não bộ. Đặc biệt, gan lợn là thực phẩm cực kỳ giàu sắt, giúp phòng ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Phụ nữ có thể bổ sung các món ăn từ gan lợn để tăng cường lượng sắt cho cơ thể, phòng ngừa thiếu máu.

Lưu ý, gan lợn chứa nhiều cholesterol nên mỗi tuần chỉ ăn từ 2-3 lần. Người lớn chỉ ăn 50-70 gram/lần, trẻ nhỏ ăn 30-50 gram/lần.

Gan là cơ quan lọc độc tố của lợn vì vậy trước khi ăn chúng ta cần chú ý đến khâu làm sạch. Gan lợn mua về cần ngâm rửa cẩn thận (có thể ngâm trong sữa tươi không đường 30 phút rồi rửa sạch hoặc ngâm trong nước muối khoảng 1 tiếng).

Những người bị tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh gút, tiểu đường, bệnh thận, thừa cân không nên ăn gan lợn cũng như các loại nội tạng động vật khác.

Một số thực phẩm giàu sắt khác

- Trái cây: Các loại trái cây như dâu tằm, olive có hàm lượng sắt khá cao. 100 gram olive có thể cung cấp 3,3 mg sắt, tương đương 18% nhu cầu sắt trong một ngày. Ngoài ra, quả olive cũng cung cấp vitamin A, E và chất C có lợi cho sức khỏe. Trong khi đó, 100 gram dầu tằm cung cấp 1,9mg sắt. Loại quả này còn chứa nhiều vitamin C, chất chống oxy hóa.

- Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc nguyên hạt không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa nhiều sắt, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì. Một số loại ngũ cốc nguyên hạt quen thuộc là gạo, yến mạch, quinoa...

- Rau lá xanh: Các loại rau lá xanh như mồng tơi, rau cải, rau muống, bông cải... chứa rất nhiều sắt. 100 gram rau muống có thể cung cấp khoảng 2,5mg sắt; 100 gram mồng tơi có 1,6mg sắt; 100 gram rau chân vịt chứa 2,7mg sắt...

Tác giả: Thanh Huyền