5 thói quen ăn lẩu vừa mất ngon lại hại thân, số 1 người Việt mắc nhiều nhất

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người chọn món lẩu cho bữa ăn đông người nhưng lại mắc những sai lầm nghiêm trọng khi ăn. Ăn lẩu sai cách có thể khiến bạn rước họa vào thân.

Ngồi ăn lẩu quá lâu

Nhâm nhi trong ăn uống là thói quen của người Việt Nam thế nhưng đó là sai lầm khi ăn lẩu. Ăn liên tục trong mấy tiếng dạ dày của bạn sẽ phải làm việc liên tục hết công suất dễ rối loạn tiêu hóa, đau bụng...

Trong quá trình ăn tầm 30 phút nên thay nước lẩu 1 lần để tránh thực phẩm đun lâu hàm lượng nitric tăng lên, vitamin bị phân hủy, biến chất gây hại cho cơ thể thậm chí là dẫn đến ung thư.

Cho quá nhiều sa tế, bột ngọt, gia vị nấu lẩu

Những gia vị này thường chỉ nên cho một lượng vừa đủ để tạo mùi vị chứ không nên lạm dụng bởi nó không tốt thậm chí còn gây nguy hại cho sức khỏe.

Ngoài những sai lầm thường trực ở trên thì mọi người cũng cần lưu ý đến một số đối tượng không nên ăn lẩu vì lẩu không tốt cho tình trạng bệnh lý.

- Người đang bị viêm loét dạ dày, nhiệt miệng, viêm họng mãn, người bị bệnh trĩ... không nên ăn lẩu.

- Người bị dị ứng với hải sản hoặc nấm thì tránh các loại thực phẩm này khi ăn.

- Người bị gout, huyết áp cao cũng không nên ăn nhiều vì các món lẩu thường rất nhiều dinh dưỡng.

- Cuối cùng là những người mắc bệnh ở đường ruột, điển hình là viêm dạ dày ruột cấp tính.  

Ăn lẩu quá nóng

Xì xụp bên nồi lẩu nóng là thú vui và sở thích của 99% người Việt Nam và quan niệm lẩu phải ăn nóng mới ngon, vừa gắp ra ăn ngay thì tuyệt vời. Thế nhưng, nhìn dưới góc độ khoa học, việc ăn lẩu quá nóng sẽ là nguyên nhân khiến cho bạn bị tổn thương khoang miệng, thực quản và dạ dày...

Chính vì thế, khi đồ ăn được gắp trực tiếp từ nồi lẩu ra nên để ấm ấm, sau đó mới thưởng thức.

Ăn đồ nhúng còn tái dễ bị vi khuẩn và kí sinh trùng “ghé thăm”

Nhiều người cho rằng các loại thịt và hải sản nên được ăn tái mới giữ được độ tươi ngon và dưỡng chất của các loại thực phẩm này. Đây là một quan niệm khá phổ biến nhưng rất sai lầm vì việc ăn đồ nhúng khi thực phẩm còn tái, đỏ vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn và kí sinh trùng “ghé thăm” cơ thể, xâm nhập vào đường tiêu hóa.

Thực phẩm tươi sống trong các món lẩu có thể chứa các mầm bệnh như E.coli, vibrio cholerae (vi khuẩn tả) và nhiều loại giun sán gây nhiều bệnh nguy hiểm. Thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín có thể mang vi khuẩn như salmonella, E. coli và listeria. Thịt bò cũng là nguyên liệu không thể thiếu trong thực đơn của các món lẩu. Thế nhưng, ăn thịt bò tái, chưa được nấu chín kĩ có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán dây bò – căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho những ai không may mắc phải.

Để đảm bảo an toàn khi thưởng thức các loại đồ nhúng trong món lẩu, trước hết cần đợi nước lẩu sôi cao rồi mới bắt đầu đưa thức ăn vào nồi lẩu để đảm bảo thức ăn được làm nóng và chín kỹ. Với thực phẩm thái mỏng thì nên nhúng trong nồi đun khoảng 1 phút để thịt chín kỹ hoàn toàn. Còn với các loại thực phẩm viên hay các loại thực phẩm có vỏ dày như tôm, sò, ốc thì nên nhúng trên 5 phút.

Dùng chung đũa để gắp thực phẩm sống và chín

Đây cũng là một thói quen ăn uống tiềm ẩn nhiều nguy hại nhưng nhiều người vẫn thường mắc phải. Cũng giống với việc ăn đồ nhúng còn tái, việc dùng chung một đôi đũa để gắp đồ sống và chín vô tình tạo cơ hội cho nhiều loại vi khuẩn trong thức ăn sống dễ dàng xâm nhập vào khoang miệng của chúng ta. Do đó, thay vì sử dụng chung một đôi đũa cho nhiều mục đích, nên chuẩn bị các đôi đũa khác nhau để ăn đồ chín riêng, còn lại để gắp thức ăn sống – tránh vì sự tiện lợi trong chốc lát mà rước bệnh vào cơ thể sau này.

Tác giả: Mộc