Bé gái 13 tuổi bị ngất xỉu, mẹ đưa con đi khám thì phát hiện ra nguyên nhân bất ngờ

( PHUNUTODAY ) - Cô bé Tiểu Khiết 13 tuổi ở Chu Châu, Trung Quốc bị ngất xỉu cha mẹ cho em đi khám và phát hiện ra nguyên nhân do bé bị thiếu máu.

Chu kỳ kinh nguyệt ở bé gái tuổi dậy thì vô cùng quan trọng, nó giúp đánh giá sức khỏe thể chất của trẻ, nếu kinh nguyệt ở bé gái có những bất thường, cha mẹ cần cho trẻ đến bệnh viện để khám.

Cô bé Tiểu Khiết, 13 tuổi ở Chu Châu đã xuất hiện chu kỳ kinh đầu tiên trong cuộc đời. Cô bé xấu hổ, nhút nhát, không dám nói cho mẹ biết, tự dùng tiền tiết kiệm để mua băng vệ sinh. Cô bé cũng tìm kiếm thông tin về kinh nguyệt trên mạng, được biết kinh nguyệt mỗi tháng một lần, mỗi lần bình thường kéo dài từ 3-7 ngày là sạch sẽ.

Tuy nhiên, điều khiến Tiểu Khiết không thể hiểu được đó là kinh nguyệt của cô bé kéo dài hơn 1 tháng, còn ra máu liên tục. Do bản thân cũng đã tìm hiểu những kiến thức cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trên mạng, cộng thêm sự lo lắng căng thẳng nên cô bé đã không nói với gia đình về chuyện này.

Cho đến hơn 3 tháng sau, trong giờ học thể dục, Tiểu Khiết đột nhiên bị ngất, cô bé được thầy cô giáo đưa đến Bệnh viện trung tâm thành phố Chu Châu để khám. Bác sĩ thông qua xét nghiệm máu và phát hiện huyết sắc tố của Tiểu Khiết chỉ đạt 56g/L, bằng một nửa so với những đứa trẻ cùng lứa có sức khỏe bình thường, bác sĩ nói rằng dưới 60g/L đã là thiếu máu nghiêm trọng.

Rong kinh gây nên tình trạng thiếu máu

Bác sĩ Vương Kình Tiến hỏi về tình trạng kinh nguyệt, Tiểu Khiết mới cho biết, kinh nguyệt của bản thân đã 3 tháng nay vẫn chưa sạch, đây chính là lý do dẫn đến Tiểu Khiết bị thiếu máu trầm trọng, trong y học gọi là rong kinh ở tuổi dậy thì.

Chuyên gia cảnh báo về dấu hiệu nhận biết rong kinh

- Có ngày đèn đỏ kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh vượt quá 80ml/ chu kỳ kinh nguyệt.

- Kinh nguyệt ra nhiều, mỗi lần thay băng phải cần đến 2 băng vệ sinh và phải thay băng liên tục mỗi giờ.

- Về ban đêm, kinh nguyệt ra nhiều và vẫn phải thay băng liên tục.

- Chị em có dấu hiệu mệt mỏi, thở dốc, có những triệu chứng của thiếu máu nếu như rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài.

- Máu kinh đóng thành từng cục lớn và hay bị đau bụng dưới.

Cha mẹ cần lưu ý tới hiện tượng kinh nguyệt của con gái khi tới tuổi dậy thì

Những ảnh hưởng của rong kinh tới sức khỏe

- Rong kinh nếu để kéo dài gây mất máu dẫn đến bệnh thiếu máu với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở…

Ra máu kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dẫn đến viêm nhiễm sinh dục. Vi khuẩn sẽ lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung và có thể lên vòi trứng gây viêm phần phụ, thậm chí gây vô sinh sau này.

Rong kinh ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Về mặt tâm lý, người phụ nữ sẽ luôn có cảm giác khó chịu, thậm chí sợ hãi mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.

- Rong kinh còn có thể là triệu chứng của một số bệnh ở tử cung hoặc buồng trứng như: U xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung, buồng trứng đa nang,… Nếu không được điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng.

Tác giả: Min Min