Cơ chế hoạt động của vắc xin Vero Cell
Vắc xin Vero Cell của Sinopharm là vắc xin được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm (Trung Quốc). Đây là vắc xin được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt. Nếu như vaccine Pfizer và Moderna được bào chế theo công nghệ mRNA, thì vắc xin Sinopharm là vắc xin bất hoạt sử dụng các phần tử vi rút bất hoạt nhằm mục đích kích thích hệ thống miễn dịch sinh ra kháng thể.
Sau nhiều tháng nghiên cứu vắc xin trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020, vắc xin này được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn việc thử nghiệm trên người. Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã tiến hành cấp phép sử dụng có điều kiện vắc xin Sinopharm, với hiệu quả bảo vệ được công bố là 79,34%, tỷ lệ sinh kháng thể trung hòa đạt 99,52%.
2 đối tượng được khuyến cáo không nên tiêm vắc xin Sinopharm
Trong Sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng Vero Cell bất hoạt của Sinopharm do Bộ Y tế ban hành, có 2 nhóm đối tượng được chống chỉ định đó là:
- Người có tiền sử phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc xin Vero Cell bất hoạt của Sinopharm trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2.
- Người quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc xin như Hydroxit nhôm.
6 đối tượng có thể tiêm chủng vắc xin Vero Cell
Nhóm người từ 60 tuổi trở lên
Hồ sơ hiệu quả và an toàn của vắc xin có thể không được đầy đủ vì chỉ có một số lượng nhỏ người trên 60 tuổi tham gia trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, ở các nhóm tuổi lớn, tính sinh kháng thể sau tiêm vắc xin Vero Cell là tương tự như ở người trẻ tuổi, trong khi hiệu giá kháng thể trung hòa là đáng kể mặc dù có thấp hơn ở các nhóm tuổi lớn. Cần cân nhắc việc sử dụng vắc xin này ở những người lớn tuổi và chủ động giám sát phản ứng sau tiêm chủng.
Nhóm người mắc bệnh nền
Tiêm chủng được khuyến nghị cho những người mắc loại bệnh nền mà được xác định là có nguy cơ bị nặng nếu bị nhiễm COVID-19.
Nhóm phụ nữ mang thai
Đây là vắc xin bất hoạt với chất bổ trợ thường được sử dụng trong nhiều loại vắc xin khác và hồ sơ an toàn tốt đã được ghi nhận, bao gồm cả ở phụ nữ có thai. Cho đến khi có dữ liệu để đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch ở phụ nữ có thai, WHO khuyến cáo sử dụng Sinopharm cho phụ nữ có thai khi lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ rủi ro.
Nhóm người phụ nữ cho con bú
Vì đây không phải là vắc xin vi rút sống, nên nó không có khả năng gây ra nguy cơ cho trẻ bú mẹ. Hiệu quả của vắc xin được mong đợi là tương tự giữa phụ nữ đang cho con bú và những người trưởng thành khác. WHO không khuyến nghị ngừng cho con bú sau khi tiêm phòng.
Nhóm người bị HIV
Có thể tiêm vắc xin nếu đối tượng thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, cân nhắc đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ đối với từng cá nhân. Không cần thiết phải xét nghiệm HIV trước khi tiêm vắc xin.
Nhóm người bị suy giảm miễn dịch, người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch
Có thể tiêm vắc xin nếu họ thuộc nhóm nguy cơ, các thông tin, hồ sơ về suy giảm miễn dịch cần được cung cấp cho nhân viên y tế để tư vấn về lợi ích và rủi ro cũng như theo dõi, đánh giá sau tiêm chủng.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
8 lưu ý quan trọng về ăn uống trước và sau khi tiêm phòng Covid-19: Ai cũng cần nhớ đừng chủ quan
-
Nguyên nhân phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid -19 ở 2 mũi là khác nhau
-
Phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc xin Vero Cell: Chuyên gia hướng dẫn cách xử trí để bà con yên tâm
-
Quyết định mới của BYT: 5 đối tượng cần khám sàng lọc kỹ và thận trọng khi tiêm vắc xin Covid-19
-
Bỏ qua tía tô đi, đây mới là loại lá nên uống trước và sau tiêm vắc xin Covid-19: Tác dụng nhanh gấp đôi